spot_img

Trọn Bộ Quy Trình Kỹ Thuật Chăn Nuôi Bò Sinh Sản Đạt Năng Suất Cao.

Nuôi bò sinh sản nhốt chuồng đang là hướng đi thu hút nhiều hộ nông dân đầu tư nhằm gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống của gia đình. Nhưng hầu hết bà con chưa am hiểu kỹ thuật chăm sóc bò sinh sản nên chưa đạt năng suất cao. Bài viết dưới đây của Viet24h sẽ giới thiệu đến bà con quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản từ  khi chọn giống bò cái sinh sản cũng như cách nuôi và chăm sóc chúng một cách hiệu quả nhất.

1. Đặc điểm giống bò cái sinh sản

Một trong những đặc điểm quan trọng kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản để bò có thể sinh sản được nhiều, chăm con tốt, bà con cần phải lựa chọn bò mẹ thật kỹ lưỡng. Chọn bò cái sinh sản bà con cần chú ý một số đặc điểm sau:

  • Dáng đi của bò mẹ nhanh nhẹn, vai da mỏng, thân hình có sự hài hòa giữa các phần đầu, cổ, thân, lông thưa, thuần tính và hiền lành.
  • Đầu nhẹ, mũi to, hàm răng phải đều và trắng, mõm rộng, cổ dài vừa phải, thanh thoát, da cổ có nếp nhăn.

  • Phần ngực của bò cái sâu và rộng. Xương sườn mở rộng, bụng to vừa phải, lưng thẳng. Khung xương chậu nở rộng.
  • Bốn chân bò thẳng và mảnh, móng khít.
  • Bầu vú phát triển đều về phía sau, 4 núm vú đều có độ dài vừa phải, không có vú kẹ và da vú mỏng, tĩnh mạch phân thành nhánh ở vú nổi rõ. 

2. Phát hiện động dục

Bà con nên tính toán và phát hiện kịp đúng lúc cho bò cái động dục, để khả năng thụ tinh sẽ cao. Những biểu hiện của bò cái khi động dục: Con cái có thể lang thang ở đồng cỏ để tìm kiếm con đực. Nó có thể chạy nhảy nhiều gấp 3 đến 4 lần so với tình trạng không ở động dục. Ngoài ra còn có các biểu hiện:

  • Giai đoạn bắt đầu động dục (6 – 10 giờ): Con cái ở trạng thái không bình thường, ngơ ngác, kêu rống, chạm sừng nhau, thích gần và ngửi âm hộ con khác, không cho con khác nhảy lên lưng. Âm hộ bò cái lúc này sưng, hơi mở, có màu hồng.
  • Giai đoạn giữa động dục (12 – 16 giờ): Con cái ở trạng thái hưng phấn cao độ, thích nhảy lên lưng con khác, sau đó đứng yên để con khác nhảy lên, ăn uống ít hoặc bỏ hoàn toàn. Âm hộ hơi mở, màu đỏ hồng, có niêm dịch kéo dính màu trắng, chảy thành dòng, sau tạo thành dịch keo dính thòng lòng hoặc dính bết vào mông.
  • Giai đoạn cuối động dục (6 – 10 giờ): Không cho con khác nhảy lên, trạng thái thần kinh và ăn uống trở lại bình thường.

  • Sử dụng quy luật phối sáng – chiều. Nếu sáng phát hiện bò cái động dục – chiều phối giống.Tương tự nếu chiều phát hiện bò cái động dục – sáng sớm hôm sau phối giống.

3. Cách phối giống cho bò

Đối với nuôi bò hướng thịt, chọn đực giống lai F2 có mang ¾ máu của 1 trong những giống bò lai Sind, Red Sindhi, Sahiwal, Brahman, không bị các bệnh truyền nhiễm. 

Có 2 cách phối giống là phối giống trực tiếp và phối giống nhân tạo.

  • Phối giống trực tiếp: là cho bò đực nhảy trực tiếp. Đây là biện pháp phối giống mà nhiều bà con vùng sâu vùng xa chưa có kiều kiện để phối giống nhân tạo đang áp dụng. 
  • Phối giống nhân tạo: là sử dụng nguồn tinh của bò được chọn lọc và bảo quản kỹ lưỡng, sử dụng dụng cụ để dẫn tinh vào bò cái. Với phương pháp này, tỉ lệ thụ tinh sẽ cao hơn, tinh của bò đực được tuyển chọn nên đảm bảo bê con đẻ ra đẹp, to, khoẻ hơn cách phối giống trực tiếp.

*Lưu ý: Cần quản lý riêng bò cái sau khi đã có thụ tinh hoặc giao phối, không để bò giao phối tự do. Những con bò đực có giống kém phẩm chất ở trong đàn thì nên thiến để mất khả năng giao phối. Không nên cho phối giống giữa những con bò có quan hệ huyết thống gần như cha mẹ, con cháu, anh em cùng cha mẹ. Nên phối kép 2 lần cách nhau 6 giờ để đảm bảo cho bò thụ thai.

Xem thêm: Kỹ Thuật Chăn Nuôi Bò Thịt Chuẩn Đem Lại Hiệu Quả Kinh tế Cao

4. Kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản và đỡ đẻ cho bò

4.1. Chăm sóc bò chửa

Bà con nên đảm bảo chuồng trại luôn sạch sẽ và thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Ngoài ra bà con cũng nên thường xuyên vệ sinh tắm rửa và dùng bàn chải, chải lông cho bò để khí huyết của bò mang thai được lưu thông, và hạn chế ký sinh trùng gây bệnh ngoài da. 

Khi bò cái đã mang thai, bò cái cần được nghỉ ngơi, hạn chế chăn thả vào thời điểm quá nóng hoặc quá lạnh. Không nên nên để bò kéo nặng cày bừa trong thời gian mang thai tháng thứ 3, thứ 7,8,9 (bởi dễ gây hiện tượng chết lưu thai). 

Thức ăn cho bò

Bà con cần cung cấp đầy đủ và cân bằng lượng thức ăn thô xanh, thức ăn tinh và các loại vitamin, khoáng chất. 

  • Nguồn thức ăn thô xanh: gồm các loại phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân cây ngô, cây đậu, cây chuối, ngọn mía, rau xanh, củ quả, cỏ… đây là nguồn cung cấp dưỡng chất chủ yếu cho bò mẹ mang thai. Chiếm tỷ trọng đến 70% trong tổng lượng thức ăn cung cấp cho bò mỗi ngày. 
  • Thức ăn tinh: thường sẽ chiếm khoảng 20 – 25% trong tổng khẩu phần ăn, tức là tỷ lệ khoảng 3% trọng lượng cơ thể. Thức ăn tinh bao gồm các loại cám công nghiệp có sẵn trên thị trường, hoặc bà con cũng có thể tự phối trộn từ các loại thức ăn như cám gạo, ngô, bột cá, các loại đạm khô,…

Khẩu phần ăn: Đối với bò cái có trọng lượng trung bình khoảng 200 – 260kg thì khẩu phần ăn gồm:

  • 1 – 2kg bột hoặc cám (ngô, gạo) 
  • 0,2 – 0,3kg khô dầu lạc.
  • Khoảng 20gr Premix khoáng, vitamin (đối với bò nhốt chuồng).
  • 20 – 25kg thức ăn xanh như cỏ voi, thân cây chuối, thân cây bắp, ngọn mía, rau xanh.

Đối với bò sinh sản có trọng lượng lớn hơn 260kg thì tăng lượng thức ăn theo tỷ lệ 12-15% so với trọng lượng cơ thể.

Nước uống cho bò

Bò mẹ cần được cung cấp lượng nước sạch đầy đủ mỗi ngày. Thông thường, cơ thể của bò cái trưởng thành cần khoảng 40 – 50 lít nước/ngày. Ngoài ra, khi nhiệt độ không khí lạnh thì có thể giảm lượng nước xuống 20 – 25 lít/ngày, nếu thời tiết nóng bức có thể tăng lên 60 – 70 lít/ngày.

Khi bò mang thai, ở giai đoạn cuối của thai kỳ nhu cầu uống nước sẽ tăng lên rất nhiều có thể tăng gấp đôi so với bình thường. 

4.2. Kỹ thuật đỡ đẻ cho bò

Khi bò cái mang thai thời gian khoảng 280 – 285 ngày sẽ đẻ. Trước khi đẻ, có những biểu hiện bất thường như cào nhẹ đất, đi lại thường xuyên và không nằm im một chỗ. Ngoài ra còn có biểu hiện sụt mông, bầu vú chĩa về hai bên, khi bắt đầu đẻ bọc ối thò ra ngoài trước. Với những trường hợp bò đẻ bình thường, có thể can thiệp hoặc chỉ cần hỗ trợ bằng cách dùng tay kéo nhẹ thai ra. Còn nếu quá trình sinh đẻ của bò gặp khó khăn, bà con nên nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ thú y có chuyên môn để đỡ đẻ cho bò. 

Cắt dây rốn dài khoảng 10 – 12cm (không cần buộc dây rốn) và sát trùng bằng loại cồn iốt 5%. Lau rớt, dịch nhầy xung quanh miệng bê con, vệ sinh sạch sẽ bằng khăn khô và được sát trùng, sau đó để bò cái tự liếm bê con. Nên bóc móng cho bê con để đỡ bị trơn trượt khi mới bắt đầu tập đi. Lau sạch phần thân sau và bầu vú của bò mẹ, bổ sung thêm nước uống có pha thêm ít muối cho bò, có thể cho ăn thêm cám và nước ấm.

Để tránh một số bệnh thường gặp khi bò đẻ như viêm tử cung, sót nhau, bà con cần lưu ý việc giữ vệ sinh thật sạch sẽ và đúng quy trình nghiêm ngặt, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho bò trước khi bò đẻ. Nếu xảy ra hiện tượng sót nhau, cần tiêm Oxytocin hỗ trợ tử cung co bóp. 

5. Kỹ thuật chăm sóc bò mẹ sau sinh và bê con

5.1. Đối với bò mẹ

Trong 1 tuần đầu bò mới sinh có thể cho bò ăn cháo hoặc pha cám với nước ấm và 1 ít muối. Thời gian đầu khoảng 15 – 20 ngày đầu khẩu phần ăn mỗi ngày của 1 con bò mẹ cần:

  • Thức ăn tinh ( Cám công nghiệp, cám gạo, bột cá, các loại đạm khô,…)1– 1,5kg
  • Muối ăn  25 – 30gr
  • Bột xương 30 – 40gr
  • Thức ăn thô xanh ( cỏ, rơm rạ, thân cây ngô, cây đậu, cây chuối, ngọn mía, rau xanh, củ quả,…)phải luôn có sẵn trong chuồng

5.2. Đối với bê con sau sinh

Chậm nhất là 3 giờ sau khi sinh, bê con phải được uống sữa đầu của mẹ. Tổng lượng sữa trong ngày đầu tiên cho bê con uống không quá 10% trọng lượng cơ thể. Lượng sữa ban đầu cho uống khoảng 2 lít/ngày. Cho bê uống tự do trong vòng 7 ngày đầu tiên. Kết hợp trui sừng cho bê để tránh húc nhau trong thời gian sinh trưởng. 

Trong 30 ngày đầu bê con được nuôi tại nhà, cạnh bò mẹ. Lưu ý luôn giữ ấm cho bê bằng cách lót khăn hoặc rơm vào chuồng, phụ bạt xung quanh chuồng để tránh gió lùa. 

Trên 1 tháng tuổi: bế được chăn thả theo bò mẹ ở những bãi cỏ gần chuồng, tập thói quen cho bê ăn thức ăn tinh. 

Từ 3 – 6 tháng tuổi, mỗi ngày cho ăn khoảng 5 – 10kg cỏ tươi và 0,2kg thức ăn tinh hỗn hợp. Tập cho bê ăn cỏ khô, nên để bê cai sữa vào khoảng 6 tháng tuổi.

Từ 6 – 24 tháng tuổi, thực hiện chăn thả bê là chính, mỗi ngày cho bê ăn thêm khoảng 10 – 20kg cỏ tươi, ngọn mía, cây ngô non. Vào thời điểm thiếu cỏ có thể cho ăn thêm 2 – 4kg cỏ khô một ngày.

6. Phòng bệnh cho bò

  • Bà con chú ý thường xuyên giữ vệ sinh khu vực bên trong chuồng trại và khu vực bên ngoài chuồng trại, đảm bảo các dụng cụ ăn uống luôn sạch sẽ.
  • Thực hiện đúng quy trình tiêm phòng các bệnh phổ biến cho bò như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, các bệnh lây nhiễm (tả, lao, …)
  • Định kỳ tẩy giun, ve, ký sinh trùng cho bò.

Lời kết

Trên đây là toàn bộ quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản giúp bà con đạt năng suất cao. Ngoài ra trong quá trình thực hành kỹ thuật có bất cứ thắc mắc gì, bà con hãy liên hệ với Vet24h để được hỗ trợ nhé.

Bài liên quan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisement -spot_img
- Advertisement -spot_img

Bài mới