spot_img

Bệnh Glasser Trên Heo – Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Bệnh Glasser trên heo do vi khuẩn Haemophilus Parasuis (H.parasuis) gây ra. Bệnh xuất hiện trên mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở heo con cai sữa từ 4 – 8 tuần tuổi. Trong bài viết này, hãy cùng Vet24h tìm hiểu kỹ hơn về vi khuẩn gây bệnh Glasser trên heo và các biện pháp phòng tránh, điều trị bệnh hiệu quả.

Vi khuẩn H.parasuis gây bệnh glasser trên heo

Bệnh glasser hay còn gọi là bệnh viêm đa xoang xuất hiện trên heo. Bệnh do vi khuẩn gram âm (-) Haemophilus parasuis gây ra. Loại vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp của heo, chủ yếu là ở hạch amidan. Khi có nguyên nhân làm giảm sức đề kháng như thay đổi thời tiết, cai sữa cho heo con hay yếu tố gây stress khác, vi khuẩn sẽ theo đường hô hấp xâm nhập vào phổi.

Sau khi xâm nhập vào phổi, vi khuẩn H.parasuis cư trú ở phế nang và từ đây theo đường truyền máu đi khắp cơ thể tấn công màng phổi, xoang bao tim, xoang phúc mạc, xoang bao khớp, màng não,… Điều này lý giải vì sao các bệnh tích khi mổ khám heo bệnh lại xuất hiện viêm dính fibrin ở các xoang, màng bao các cơ quan.

Bệnh glasser xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là heo con sau cai sữa từ 4 – 8 tuần tuổi. Bởi đây là giai đoạn heo “bị stress” do tách mẹ và đổi khẩu phần ăn. 

Triệu chứng và bệnh tích của bệnh Glasser trên heo

#1. Triệu chứng

Tuỳ vào biến chủng nhiễm, thời gian ủ bệnh thay đổi từ 1 – 5 ngày. Bệnh Glasser trên heo tồn tại ở 2 thể:

Thể cấp tính:

  • Heo mắc bệnh sốt cao đột ngột, thân nhiệt lên đến 41 độ C.
  • Heo bỏ ăn
  • Biểu hiện hô hấp: thở nhanh, ho ngắn 2 – 3 cái
  • Tím 4 chân, viêm khớp, dáng đi chậm chạp, khó khăn. Hai chân loạng choạng, hay ngã về một bên.
  • Một số heo có triệu chứng của viêm màng não như co giật, run cơ. Có trường hợp heo có dấu hiệu rối loạn thần kinh như nằm 1 bên, ưỡn cứng thân, co giật, kêu to.
  • Heo chết sau 2 – 5 ngày mắc bệnh.

Thể mãn tính:

Heo mắc bệnh thể nhẹ hơn, khả năng sống sót cao hơn. Tuy nhiên, biểu hiện bệnh ở thể mãn tính là heo phát triển chậm, còi cọc, chậm lớn, thi thoảng khó thở và ho nhiều sau khi chạy. Tỷ lệ nhiễm bệnh khoảng từ 5 – 15%. Khi viêm màng bao tim kéo dài có thể gây chết vật nuôi.

#2. Bệnh tích

Khi mổ khám heo nhiễm bệnh glasser, bạn sẽ phát hiện nhiều bệnh tích đặc trưng như:

  • Viêm thanh dịch phủ fibrin xoang bao tim, màng phổi, xoang phúc mạc với đặc trưng tích nhiều mủ sợi huyết màu trắng, các xoang tích lượng thanh dịch lớn.
  • Xuất huyết não, não có dịch tiết chứa mủ và sợi tơ huyết.
  • Viêm khớp có dịch

Trong trường hợp heo chết thể mãn tính, xuất hiện viêm ngoại tâm có sợi huyết cùng các biểu hiện suy tim, lớn tim, phổi lớn, gan và xoang chứa nhiều dịch.

Bệnh để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến năng suất, hiệu quả kinh tế của chủ trang trại và người chăn nuôi. Vì thế, bạn cần nắm chắc những biện pháp phòng dịch để giảm thiểu tối đa thiệt hại do bệnh gây ra.

Chẩn đoán heo bị nhiễm bệnh Glasser

Khi phát hiện có heo ốm, bỏ ăn, ta cần chẩn đoán càng sớm càng tốt xem có phải heo bị bệnh glasser hay không. Do vi khuẩn H.parasuis có khả năng lây nhiễm qua đường hô hấp nên việc xem xét dịch tễ khu vực xung quanh là căn cứ quan trọng để chẩn đoán bệnh sớm. Sau đó, dựa vào các triệu chứng điển hình hoặc mổ khám heo, để ta quan sát bệnh tích trên các cơ quan đích mà vi khuẩn có thể tấn công như xoang, các màng bao cơ thể.

Trong quá trình chẩn đoán, ta cần chú ý phân biệt bệnh glasser với các bệnh khác như suyễn heo hay APP (viêm phổi màng phổi). Đối với bệnh suyễn hay APP, bệnh chỉ gây triệu chứng ho và màng phổi bị viêm có fibrin. Còn đối với bệnh glasser, có thêm bệnh tích như có dịch rỉ viêm và fibrin đóng tại các màng bao và các xoang khác trong cơ thể như não, bụng, khớp,…

Cuối cùng, để biết chính xác nhất, ta có thể sử dụng phương pháp chẩn đoán bệnh trong phòng thí nghiệm như: phương pháp ELISA, PCR, huyết thanh hoặc phân lập để xác định chắc chắn bệnh.

Xem thêm: BỆNH SUYỂN HEO VÀ VIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH

Biện pháp phòng bệnh Glasser trên heo

Để phòng bệnh glasser trên heo, người chăn nuôi cần:

  • Tiêm vacxin phòng bệnh glasser cho đàn heo
  • Thực hiện chăn nuôi tuân thủ nguyên tắc an toàn sinh học, chú ý việc quản lý đàn để làm giảm yếu tố stress trên heo. Không nuôi heo với mật độ quá cao. 
  • Xây dựng môi trường chuồng trại thông thoáng
  • Định kỳ tiêu độc, sát trùng chuồng trại.
  • Khi muốn nhập đàn cần nắm rõ nguồn gốc của heo, cách ly heo để theo dõi ít nhất 4 tuần.

Điều trị bệnh Glasser trên heo

Điều trị sớm và kết hợp nhiều biện pháp sẽ cho kết quả tốt hơn. Nên điều trị cho tất cả heo có nguy cơ bị lây nhiễm chứ không chỉ riêng những heo có triệu chứng bệnh.

* Kháng sinh: Chọn kháng sinh có thể xâm nhập đến dịch não tuỷ và các khớp như sau:

– Tiêm :

+ Tulavitryl: 1ml/40kg thể trọng, 1 liều duy nhất

+ hoặc Ceptifi: 1ml/10-15 kg thể trọng, ngày/lần, liên tục 5-7 ngày

+ hoặc Tyloco: 1ml/7-10kg thể trọng, ngày/lần, liên tục 3-4 ngày

+ hoặc Marbovitryl 250: 1ml/10-15 kg thể trọng, ngày/lần, liên tục 5-7 ngày

+ hoặc VimeSpiro FSP: 1ml/5-10 kg thể trọng, ngày/lần, liên tục 5-7 ngày

+ hoặc Spectylo: 1ml/5-10 kg thể trọng, ngày/lần, liên tục 5-7 ngày

– Cho uống hoặc cho ăn (nếu còn ăn):

+ Genta-Doxy: 1g/20kg thể trọng, ngày/lần, 5-7 ngày

+ Tylofos: 1g/40kg thể trọng, ngày/lần, 5-7 ngày

+ hoặc Vime-Linspec 500: 1g/20kg thể trọng, ngày/lần, 5-7 ngày

* Kháng viêm:

+ Tonavet: 1ml/20 kg thể trọng, 1 liều duy nhất

+ hoặc Ketovet: 1ml/16 kg thể trọng, ngày/lần, 3 ngày

* Trị triệu chứng: Heo ho, khó thở, chảy mũi nước:

+ Furovet: 1ml/20 kg thể trọng, ngày/lần, 3-5 ngày

+ Vime Liptyl: 1ml/10kg thể trọng, ngày/lần, 3-5 ngày

+ kết hợp Bromhexin: 1ml/10kg thể trọng, ngày/lần, 3-5 ngày

+ hoặc dùng Mucostop (để giảm mũi tiêm trên heo) 1g/lít nước uống hoặc 2g/kg thức ăn hoặc 1g/7-10kg thể trọng.

* Hỗ trợ

+ Vime Canlamin: 1ml/5-10 kg thể trọng, ngày/lần, 3-5 ngày

+ hoặc Vimekat: 1ml/5-10 kg thể trọng, 3-5 ngày/lần,

+ hoặc Babevit: 1ml/5-10 kg thể trọng, ngày/lần, 3-5 ngày

Các bước xử lý khi trại nhiễm bệnh Glasser

Bước 1: Những con heo có biểu hiện bệnh glasser cần được tách khỏi đàn, nuôi nhốt tại một khu riêng biệt.

Bước 2: Tiến hành tiêm kháng sinh liều cao trên toàn bộ đàn heo. Kháng sinh liều cao có tác dụng đến tận xoang não và xoang khớp. Các kháng sinh nhạy cảm với H.parasuis có thể dùng là: amoxicillin, ampicillin, oxytetracycline hay penicillin hoặc penicillin tổng hợp… Tuỳ thuộc vào tình hình dịch tễ trong khu vực, ta sẽ sử dụng loại kháng sinh phù hợp.

Liệu trình tiêm tùy thuộc từng loại kháng sinh, nhưng thường là 3-5 ngày.

Bước 3: Trộn kháng sinh 1 tuần liền ngay sau khi hết liệu trình tiêm.

Bước 4: Điều chỉnh lại tiểu khí hậu chuồng nuôi như giảm mật độ nuôi, tăng độ thông thoáng trong chuồng nuôi, lưu ý khi vận chuyển heo, giảm các yếu tố gây stress, kiểm soát tốt PRRS, circo, cúm heo…

Kết luận

Trên đây là những thông tin bạn cần nắm rõ về bệnh glasser trên heo. Hy vọng bài viết đã đem lại những kiến thức hữu ích giúp bạn sớm chẩn đoán và phòng bệnh, điều trị bệnh hiệu quả. Bạn đọc quan tâm các chủ đề trong chăn nuôi, đừng bỏ lỡ những bài viết thú vị khác của Vet24h nhé.

Bài liên quan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisement -spot_img
- Advertisement -spot_img

Bài mới