spot_img

Nhận biết bệnh phó thương hàn ở lợn và cách phòng trị bệnh

Nhận biết bệnh phó thương hàn ở lợn và cách phòng trị bệnh

Bệnh phó thương hàn là bệnh nguy hiểm ở lợn. Bệnh xảy ra với diễn biến nhanh, tỉ lệ chết cao và gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Vì thế, Vet24h xin chia sẻ đến các bạn thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh phó thương hàn ở lợn hiệu quả.

Tổng quan gây bệnh phó thương hàn ở lợn

Bệnh phó thương hàn ở lợn do vi khuẩn Salmonella gây ra. Sự lây nhiễm chủ yếu qua đường tiêu hoá, vi khuẩn theo thức ăn, nước uống đi vào cơ thể lợn. Ngoài ra, bệnh còn truyền từ mẹ sang con và có thể lây lan giữa các cá thể phơi nhiễm. 

Vật mắc bệnh bài thải mầm bệnh ra môi trường chăn nuôi qua nước tiểu, phân, dịch tiết mũi,… Mầm bệnh dễ dàng xâm nhập vào cơ thể động vật phơi nhiễm thông qua đường miệng và mũi. Thời gian ủ bệnh là từ 3-4 ngày.

Bệnh phó thương hàn gây ra các triệu chứng, bệnh tích điển hình như lợn bị sốt cao, mệt mỏi, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm khớp, viêm màng não và tiêu chảy. Bệnh được mô tả trên lâm sàng ở 2 thể: nhiễm trùng và viêm ruột. Thể nhiễm trùng diễn biến nhanh trong ít ngày, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 100%. Thể viêm ruột diễn ra cấp tính hoặc mãn tính ở lợn đang cai sữa cho đến 4 tháng tuổi. Ở heo trưởng thành, bệnh ít xảy ra hơn và thường là do kế phát của bệnh dịch tả. 

Dưới đây là sơ đồ hình thành và phát triển bệnh phó thương hàn ở lợn.

Chi tiết triệu chứng và bệnh tích

Bệnh phó thương hàn ở lợn gồm 2 thể cấp tính và mãn tính với các đặc điểm triệu chứng, bệnh tích điểm hình. Cụ thể là:

#1. Triệu chứng

Thể cấp tính:

  • Sốt cao 41 – 42 độ C, kém ăn hoặc bỏ ăn.
  • Giai đoạn đầu xuất hiện táo bón, bí đại tiện, nôn mửa.
  • Sau đó, xuất hiện tiêu chảy, phân lỏng vàng, có nước và máu.
  • Có triệu chứng khó thở, thở gấp, ho và suy nhược.
  • Cuối thời kỳ bệnh, da tụ máu thành từng nốt đỏ rồi chuyển sang màu tím xanh.
  • Heo gầy còm, còi cọc, tiêu chảy nhiều.

Thể mãn tính:

  • Heo gầy yếu dần, kém ăn, chậm lớn
  • Tiêu chảy phân lỏng vàng, mùi thối.
  • Khó thở, ho nhiều
  • Di chuyển khó khăn, mệt nhọc sau vận động.

Ở thể mãn tính, bệnh kéo dài trong vài tuần, một số con có thể khỏi bệnh nhưng chậm lớn.

#2. Bệnh tích

Khi mổ khám lợn bệnh, xuất hiện các bệnh tích như sau.

Thể cấp tính: 

  • Lách sưng to, dai như cao su, đặc biệt ⅓ phần giữa sưng to hơn.
  • Hạch lâm ba sưng, tụ máu và xuất huyết.
  • Gan tụ máu, xuất hiện các nốt hoại tử.
  • Thận có điểm hoại tử ở phần vỏ.
  • Niêm mạc dạ dày và ruột viêm đỏ, xuất huyết, có nốt loét.
  • Trên từng đoạn ruột non bao phủ một lớp màu vàng như cám.
  • Viêm phúc mạc có xuất huyết tương và có tơ huyết.
  • Phổi tụ máu và có các ổ viêm.

Hạch xuất huyết tụ máu

Gan tụ máu

Phổi tụ máu

 

Thể mãn tính:

  • Niêm mạc dạ dày và ruột bị viêm đỏ từng đám.
  • Ruột già và ruột non có nhiều đám loét bờ cạn, phủ màng nhày.
  • Gan bị nốt viêm hoại tử màu xám.
  • Phổi viêm sưng có ổ hoại tử màu xám vàng.
  • Xương xuất hiện những nốt hoại tử.

Ruột viêm loét

Phân biệt bệnh phó thương hàn và bệnh dịch tả lợn

Hai bệnh này có triệu chứng và biểu hiện tương đối giống nhau nên người chăn nuôi cần chú ý phân biệt bệnh để có phác đồ điều trị hợp lý, đúng bệnh đúng thuốc.

 

Đặc điểm Bệnh phó thương hàn ở lợn Bệnh dịch tả lợn
Tốc độ lây bệnh Chậm hơn Rất nhanh và mạnh
Tỷ lệ chết 20 – 40% 90 – 100%
Đại tiện Ban đầu là triệu chứng táo bón. Giai đoạn sau mới xuất hiện tiêu chảy Tiêu chảy nặng, không cần được, phân có mùi thối khắm và đôi khi lẫn máu tươi
Kết mạc Không có Viêm kết mạc và giác mạc, mắt có ghèn
Biểu hiện ngoài da Nốt đỏ nổi khắp cơ thể sau đó chuyển xanh tím Nốt đỏ xuất huyết li ti ở miệng, tai, chân, mặt và trong đùi
Phổi Viêm phổi Tụ máu
Lá lách Sưng to và dai Không bị sưng
Sụn tiểu thiệt Không có Xuất huyết

Những biện pháp phòng bệnh hiệu quả

Bệnh phó thương hàn chỉ gây bệnh khi có đủ số lượng nhất định vi khuẩn Salmonella trong cơ thể. Vì thế, mục tiêu của công tác phòng bệnh là để mức độ vi khuẩn trong môi trường thấp hơn mức độ đủ để gây bệnh. Đồng thời, giảm phát sinh mầm bệnh và sự lây lan trong trại nuôi.

Một số biện pháp phòng bệnh:

  • Thường xuyên vệ sinh, phun sát trùng trong và ngoài chuồng trại. Điều này giảm thiểu vi khuẩn phát sinh mầm bệnh.
  • Điều chỉnh mật độ nuôi phù hợp, đối với lợn con từ 10 – 35kg thì mật độ nuôi là khoảng 0,5m2/con. Đối với lợn từ 35 – 100kg, mật độ nuôi phù hợp là 0,8m2/con.
  • Tăng cường thông thoáng chuồng nuôi.
  • Phun thuốc diệt ruồi, bọ định kỳ theo quý hoặc nửa năm/lần tùy mức độ của trại .
  • Hạn chế tối đa phương tiện vận chuyển đi vào trại. Phương tiện phải được khử trùng sạch sẽ và đậu xa chuồng nuôi.
  • Kiểm soát các loài gặm nhấm.
  • Lợn mới nhập về phải có nguồn gốc sạch bệnh và nuôi cách ly một thời gian để theo dõi.
  • Vệ sinh, khử trùng dụng cụ chăn nuôi và quần áo, giày dép, ủng của người chăn nuôi.

Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm vacxin phó thương hàn cho lợn. Mũi đầu tiên tiêm lúc 21 ngày tuổi. Sau 1 tháng tiêm nhắc lại lần 2. Tiếp sau đó, cứ 6 tháng 1 lần lại tiêm phòng định kỳ cho lợn.

Điều trị bệnh phó thương hàn ở lợn kịp thời

Trước khi điều trị bệnh, người chăn nuôi cần tìm hiểu và quan sát kỹ để xác định lợn đang mắc bệnh phó thương hàn hay các bệnh lý khác để sử dụng đúng loại kháng sinh điều trị.

Khi lợn có dấu hiệu mắc bệnh, cần thực hiện những công việc sau:

  • Tách riêng lợn bệnh sang ô chuồng khác và nuôi cách ly để theo dõi.
  • Vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ trang trại.
  • Kiểm tra tổng thể đàn heo, loại ỏ những con bị bệnh nặng.
  • Làm kháng sinh đồ để xem chủng vi khuẩn gây bệnh tại trại nhạy cảm với loại kháng sinh nào.

Điều trị bệnh càng sớm càng tốt bằng thuốc kháng sinh để đem lại hiệu quả cao:

  • Tiêm kháng sinh mỗi ngày 1 – 2 mũi trong vòng 4 – 5 ngày. Một số loại kháng sinh có thể dùng là Gentamycin, Sulpha Trimethoprim, Norfloxacin, Colistin, Tetracyclin, Enrofloxacin, Tiamulin.
  • Tiêm corticoid (thuốc chống viêm). Tiêm bắp trong 4-5 ngày cùng liệu trình với kháng sinh
  • Truyền nước muối sinh lý 0,9% vào tĩnh mạch tai cho heo. Mỗi con 1 chai/lần x 2 lần/ngày x 4-5 ngày.
  • Trộn kháng sinh vào trong thức ăn (hoặc nước uống) cho toàn bộ heo trong trại. Nên trộn cách tuần để mầm bệnh không nhờn thuốc. Trộn liền 1 tuần, sau đó nghỉ 1 tuần. Sau 2 đợt trộn thì nghỉ 1 tháng rồi mới trộn lại nếu bệnh vẫn còn.

Một số bác sỹ thú y không đồng ý điều trị heo bị phó thương hàn. Thay vào đó, họ khuyến cáo trại cải thiện vệ sinh và giảm mật độ chăn nuôi.

Kết luận

Bệnh phó thương hàn ở lợn có thể được kiểm soát tốt nếu người chăn nuôi được trang bị kiến thức đầy đủ. Hy vọng với bài viết này, bạn đọc đã có thêm những thông tin hữu ích trong việc điều trị và phòng bệnh để giảm thiểu thiệt hại kinh tế. Ngoài ra, hãy cập nhật thêm kiến thức chăn nuôi khác trên website của Vet24h nhé!

Bài liên quan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisement -spot_img
- Advertisement -spot_img

Bài mới