spot_img

Kỹ thuật chăn nuôi bò thịt đem lại hiệu quả kinh tế cao

Chăn nuôi bò thịt hiện nay đang là 1 trong những mô hình chăn nuôi khá phổ biến cũng như đem lại lợi ích kinh tế cao cho người nông dân tại nước ta. Với nhu cầu về thịt bò thương phẩm ngày càng tăng của người tiêu dùng thì vấn đề chất lượng thịt bò cũng ngày càng trở nên khắt khe hơn. Những tiêu chuẩn kỹ thuật chăn nuôi bò thịt như dưỡng chất trong thịt bò, an toàn vệ sinh thực phẩm,… được coi trọng hơn trước.

Chính vì vậy, các hộ nông dân và các chủ trang trại bò thịt hiện nay cần phải áp dụng những mô hình chăn nuôi bò thịt bài bản và hiện đại hơn để đảm bảo thành phẩm đầu ra đáp ứng được nhu cầu thị trường của người tiêu dùng cũng như tăng năng suất trong chăn nuôi. Để làm được điều này, mỗi người chăn nuôi cần tìm hiểu kỹ những kiến thức cần thiết về kỹ thuật, chế độ dinh dưỡng, thiết kế chuồng trại… để tối ưu hiệu quả cho việc chăn nuôi bò thịt của mình. Dưới đây, tạp chí Vet24h sẽ chia sẻ tới bạn những kỹ thuật chăn nuôi bò thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng đón đọc nhé! 

Kỹ thuật chăn nuôi bò thịt

Xây dựng chuồng trại 

Chuồng trại là yếu tố vô cùng quan trọng trong chăn nuôi. Việc xây dựng và thiết kế chuồng trại hợp lý sẽ giúp người nông dân nuôi bò thịt dễ dàng phân phối thức ăn, quản lý con giống, xử lý chất thải từ bò. Đặc biệt là trong khâu xử lý chất thải, vệ sinh chuồng trại nếu không tốt thì bò sẽ rất dễ mắc bệnh.

Để xây dựng chuồng trại hợp lý, người chăn nuôi cần quan tâm đến các vấn đề như sau.

Lựa chọn vị trí để xây dựng chuồng trại

Chuồng trại chăn nuôi bò thịt cần phải thuận tiện cho quá trình vệ sinh cũng như chăm sóc, nuôi dưỡng bò. Do đó, người chăn nuôi nên chọn các khu đất bằng phẳng, liền mảnh và rộng rãi để làm chuồng với độ dốc không quá 15%. Những khu đất màu mỡ, có khả năng giữ nước tốt cũng phù hợp để xây chuồng. 

Đó là với các hộ chăn nuôi bò thịt nhỏ còn đối với trang trại có mô hình chăn nuôi bò thịt lớn thì chủ trang trại hoặc doanh nghiệp cần quy hoạch chuồng trại thành các khu: khu xây chuồng, nhà kho, văn phòng, nhà ở, khu đồng cỏ. Các chuồng nuôi nên được phân chia thành nhiều ô và mỗi khu nên cách nhau từ 300m – 500m.

Thiết kế chuồng trại

Trước khi bắt tay vào thiết kế chuồng trại chăn bò, người chăn nuôi có thể tham khảo nhiều mẫu chuồng ở khu vực lân cận, ở các trang trại có kỹ thuật chăn nuôi bò thịt thành công để có kiến thức lựa chọn và cải tiến phù hợp nhất với quỹ đất của mình. 

Một số gợi ý của Vet24h cho bà con khi thiết kế chuồng phục vụ chăn nuôi bò là:

  • Chuồng không được quá trơn hoặc có đinh nhọn để tránh gây tổn thương cho bò. 
  • Nên thiết kế chuồng chăn nuôi bò thịt thành 2 dãy có hành lang ở giữa đi lại, thanh chắn giữa chuồng bên trong với đường đi ở giữa nên dùng thanh ngang song song hoặc thanh xiên góc 60 độ so với nền. 
  • Máng ăn của bò thịt nên đặt ngay bên ngoài hành lang, không nên xây quá cao so để thuận tiện trong quá trình cho bò ăn. 
  • Đặc biệt kỹ thuật chăn nuôi bò thịt nhốt chuồng nhanh lớn là khi thiết kế chuồng trại, người chăn nuôi hãy làm thêm một sân chơi ở phía sau, không lợp mái cho bò.

Xem thêm: Trọn Bộ Quy Trình Kỹ Thuật Chăn Nuôi Bò Sinh Sản Đạt Năng Suất Cao

Chọn bò giống rất quan trọng

Một kỹ thuật chăn nuôi bò thịt cũng quan trọng không kém việc xây dựng chuồng trại đó chính là chọn con giống. Đặc biệt, với các chủ trang trại lớn hoặc doanh nghiệp chuyên sản xuất bò thịt công nghiệp thì khâu chọn giống lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Giống bò thịt thích ứng được với điều kiện khí hậu Việt Nam, có sức đề kháng tốt và tăng trưởng ổn định thì chắc chắn sẽ cho năng suất cao, chất lượng tuyệt vời. Và tùy thuộc từng điều kiện chăn nuôi khác nhau, bà con có thể cân nhắc để lựa chọn ra giống bò tốt nhất cho mình.

Tham khảo ngay 1 số giống bò thịt phổ biến nhất, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân hiện nay tại Việt Nam:

  1. Bò Red Sindhi (bò Sind): Mông tròn, cơ bắp nổi rõ, có u yếm phát triển. Màu lông đặc trưng là màu cánh gián, thỉnh thoảng có lẫn những mảng tối ở hai bên cổ, dọc lưng và u vai. Một số con sẽ có đốm trắng nhỏ ở yếm và trán. 
  2. Bò Sahiwal: Thân hình cân đối, da mềm, lông màu vàng cánh gián nhưng sáng hơn bò đỏ Sindhi. Giống bò này con đực có u cao hơn bò Sind, cũng có yếm thõng, con cái bầu vú phát triển.
  3. Bò Brahman: Màu lông đa dạng nhưng thường thấy nhất là màu trắng xám và đỏ sáng. Bò có thân hình chắc khỏe, cơ bắp phát triển, u cao, yếm thõng, da mềm, tai to và dài cụp xuống, thịt săn chắc.
  4. Bò Droughtmaster: Lông màu đỏ, một số con có sừng nhưng ít. Con đực phát triển mạnh, cơ bắp nổi rõ hơn con cái. Tai bò từ vừa đến lớn, hàm khỏe, yếm thõng sâu, lỗ mũi rộng, lông bóng mượt, da mềm và đàn hồi, u lưng nhỏ, chân và móng chắc khỏe . Một số đặc điểm khác của giống bò này là: mắt sâu, chân dài vừa phải, u cao vừa phải, mông tròn nhiều thịt.
  5. Bò vàng Việt Nam: Lông màu vàng nhạt, không có u. Ưu điểm của giống bò này là khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu Việt Nam, dễ nuôi và chịu được điều kiện khắc nghiệt khi thiếu thức ăn. Đặc biệt, bò vàng Việt Nam chống chịu bệnh rất tốt, chịu được các loại ve, mòng, các bệnh ký sinh trùng.
  6. Bò lai Sind: Vì là giống bò lai nên đặc điểm của loài bò này không được đồng đều. Tuy nhiên chúng vẫn có những đặc điểm chung như: màu lông từ vàng sẫm, đỏ đến màu cánh gián, u vai cao, rốn và yếm đều phát triển. Riêng con đực có chân cao hơn so với các giống chuyên thịt.

Dinh dưỡng là yếu tố thiết yếu khi chăn nuôi bò thịt

Nói về kỹ thuật chăn nuôi bò thịt mà lại bỏ qua yếu tố dinh dưỡng thì quả là thiếu sót. Chế độ dinh dưỡng cho bò thường chia làm 2 loại đó là thức ăn thô và thức ăn công nghiệp. 

Với thức ăn thô thì nguồn chính mà người chăn nuôi có thể sử dụng là cỏ tự nhiên và phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch. Tuy nhiên, cỏ trong tự nhiên có rất ít cây cỏ họ đậu, vì vậy thành phần protein của thảm cỏ rất thấp. Thêm vào đó, các bãi chăn tự nhiên với các giống cỏ tự nhiên không được quản lý và chăm sóc thì thảm cỏ sẽ bị thoái hóa dần, năng suất và chất lượng ngày càng thấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho những giống gia súc đã được cải tiến có năng suất cao. Vì vậy nuôi bò thịt phải gắn liền với thiết kế và quản lý đồng cỏ chăn thả.

Ngoài ra, người chăn nuôi bò thịt cũng có thể thực hiện theo phương thức kết hợp  giữa chăn thả trên đồng cỏ đồng thời bổ sung thêm thức ăn tại chuồng là hợp lý hơn cả. 

Thức ăn chăn nuôi dành cho bò thịt thì cần đảm bảo hàm lượng protein trung bình 13 -14% là phù hợp. Với bê con thì hàm lượng protein có thể cao hơn là từ 16 – 18%. Bên cạnh đó, cần bổ sung cho bò những hỗn hợp để bổ sung khoáng chất vì thức ăn xơ thô thường không chứa đủ các loại khoáng và vitamin cần cho quá trình sinh tổng hợp và hoạt động của vi sinh vật dạ cỏ. Các loại khoáng thiếu thường là Ca, P, Cu, Zn, Mn, Fe và S. Bổ sung khoáng có lợi cho tất cả bê sau cai sữa và bò tơ. Lượng cho phép 60g cho một con/ngày hỗn hợp trong đó có 32% Ca, 16% P và 20g muối. Bổ sung cho bò khi ăn khẩu phần chủ yếu là rơm. Các hóa chất này dễ dàng mua trên thị trường. Phơi khô, nghiền trộn theo tỷ lệ, đóng vào bao dùng dần.

Một khẩu phần ăn khoa học dành cho bò thịt cần đảm bảo các yêu cầu:

  • Đáp ứng đủ, nhu cầu dinh dưỡng.
  • Bò ăn hết khẩu phần cung cấp.
  • Dạng vật lí của khẩu phần phù hợp với động vật nhai lại (độ dài của cỏ rơm, độ mịn của thức ăn tinh).
  • Tỷ lệ tinh thô hợp lý.
  • Thức ăn trong khẩu phần không gây hại cho sức khỏe bò.
  • Giá thức ăn của khẩu phần rẻ nhất.

Chúc bà con chăn nuôi thành công!

Bài liên quan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisement -spot_img
- Advertisement -spot_img

Bài mới