spot_img

Quy Trình Kỹ Thuật Chăn Nuôi Dê Khoa Học Đạt Năng Suất Cao mới nhất 2021.

Hiện nay mô hình nuôi dê đang tạo ra hiệu quả kinh tế cao cải thiện đáng kể được thu nhập cho người dân. Rất nhiều nông hộ đã thu lợi nhuận đến hàng tỉ đồng nhờ chăn nuôi dê. Ở bài viết này chuyên gia của Vet24h sẽ hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật chăn nuôi dê thịt khoa học cho năng suất cao.

Kỹ thuật chọn dê giống

  • Chọn dê có giống nuôi có xuất xứ rõ ràng, bản thân bố mẹ phải là những con ăn tốt khỏe mạnh…
  • Không nên chọn những dê giống có đặc điểm: cổ ngắn, bụng nhỏ, lông hai tai trụi, đầu dài, tứ chi không thẳng, dáng đứng không chắc chắn. 

  • Lựa chọn dê đực phải đạt tiêu chuẩn: Dê đực khỏe mạnh, hăng hái, không khuyết tật, thân hình cân đối, phần sau chắc chắn, cơ quan sinh dục phát triển, nên chọn dê đực trong lứa sinh đôi. 
  • Chọn dê cái: Là con của dê mẹ cho nhiều sữa, dê con mau lớn, ngoại hình thanh mảnh; đầu nhỏ nhẹ; mình dài, phần sau phát triển hơn phần trước; da mỏng, lông mịn; bầu vú to, mềm mại, đều.

Các loại giống dê chính trong chăn nuôi dê thịt chất lượng cao

Dê chuyên thịt Boer

  • Nguồn gốc: có nguồn gốc từ Nam Phi.
  • Đặc điểm: Màu lông khá đặc trưng: lưng màu trắng, cũng có màu hơi nâu, vàng nhạt. Cổ, lưng, hai bên hông và phần trên đuôi của chúng có màu đen. Một số con có lông trắng chạy sọc trên mặt. Cơ bắp đầy đặn, tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh, tốt. Giống dê cái Boer cũng cho khá nhiều sữa, tuy nhiên chu kỳ sữa lại ngắn
  • Khả năng sinh sản: dê cái đẻ lứa đầu khi 20 tháng tuổi, trung bình dê boer đẻ 1,65 con/lứa và đẻ khoảng 1,1 lứa/năm.
  • Khối lượng khi trưởng thành: đối với dê cái từ 70kg đến 80kg và 80kg đến 100kg đối với dê đực, trọng lượng sơ sinh từ 2 – 3,5 kg. Tăng trưởng bình quân từ 150 – 200 g/con/ ngày. Chất lượng thịt tốt, cholesterol thấp, protein cao, thịt mềm, thơm.
  • Nguồn thức ăn chính là lá cây, cỏ và phụ phẩm nông nghiệp.

Dê Bách Thảo

  • Nguồn gốc: là giống dê lai giữa dê cỏ địa phương và một số giống dê nhập.
  • Đặc điểm : Đây là giống dê dễ nhận biết và có màu sắc tương đối đồng nhất là màu đen (chiếm 60% đàn) Trên mặt, dọc phần cổ, tai, chân, bụng có màu trắng. Mũi dô, đầu dài, tai cụp xuống, đa số là không có râu cằm. Có khả năng thích nghi cao với điện kiện khí hậu, có đặc điểm sinh trưởng và phát triển nhanh, dễ nuôi, chịu được nhiệt độ cao, nắng nóng.

  • Khả năng sinh sản: dê cái đẻ lứa đầu khi 15 tháng tuổi, số con khoảng 1,6 con/lứa và số lứa đẻ trong năm khoảng 1,6 lứa/năm.
  • Khối lượng cơ thể trưởng thành ở con đực nặng từ 75 – 80kg/con, cao khoảng 85-90 cm. Con cái có trọng lượng từ 40 – 45 kg, cao 65 – 70 cm, trọng lượng con sơ sinh khoảng từ 1,9  – 2,5 kg/con, dê 3 tháng tuổi (lúc cai sữa) nặng 10 – 12 kg, dê 6 tháng tuổi (lúc giết thịt) nặng 17 – 20 kg.
  • Tỷ lệ thịt xẻ khoảng 40 – 45%
  • Nguồn thức ăn chính là lá cây, cỏ và phụ phẩm nông nghiệp.

Dê cỏ (dê địa phương)

  • Nguồn gốc: Dê cỏ là giống dê địa phương được bà con chăn nuôi lâu đời và chủ yếu theo phương pháp chăn thả tự nhiên. 
  • Đặc điểm: Dê không đồng nhất về màu lông. Một số màu chiếm ưu thế như màu đen, màu nâu, khoang đen trắng, màu trắng.
  • Dê cỏ có vóc dáng nhỏ, tốc độ tăng trưởng thấp, tỷ lệ thịt xẻ đạt từ 40 – 44%, tỷ lệ thịt tinh đạt từ 28 – 30%. Tuy nhiên vì sinh sống lâu đời nên giống này có thể thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, khả năng chống chịu bệnh tốt, thịt chắc khỏe. Vì vậy, các viện nghiên cứu đã sử dụng giống dê cỏ địa phương để nhân giống. 

Dê lai F1 (Boer x Bách Thảo)

  • Nguồn gốc: Đực Boer phối với cái Bách Thảo
  • Khả năng sinh sản: trung bình dê lai F1 (Boer x Bách Thảo) đẻ 1,5 con/lứa và sinh sản 1,4 lứa/năm.
  • Khối lượng từ 8 tháng đến 10 tháng tuổi đạt từ 40kg đến 45kg.
  • Tỷ lệ thịt xẻ thịt: 50%. 

Xây dựng chuồng dê.

Dê là vật nuôi dễ thích nghi với điều kiện ngoại cảnh, tuy nhiên trong kỹ thuật chăn nuôi dê khả năng sản xuất của chúng phụ thuộc rất lớn vào môi trường sống. Chuồng nuôi dê sinh trưởng cần được quét dọn sạch sẽ hàng ngày. Định kỳ hàng tháng khử trùng chuồng trại, máng ăn, máng uống, sân chơi để hạn chế sự lây nhiễm các mầm bệnh, đặc biệt là các loại bệnh ký sinh trùng đường tiêu hoá. Khi xây dựng chuồng dê nên chọn hướng đông nam hoặc hướng nam để có thể thoáng mát mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Với phương pháp chăn thả tự nhiên thì không bắt buộc.

Các loại chuồng:

  • Chuồng đơn.
  • Chuồng sàn có chia ngăn.
  • Chuồng sàn không chia ngăn.
  • Chuồng trệt  không chia ngăn.
  • Chuồng nhốt chung trong một khu rào.

Hiện nay ở nước ta có 2 dạng chuồng phổ biến nhất là chuồng sàn có chia ngăn và chuồng sàn không chia ngăn.

Xem thêm: Các Bệnh Thường Gặp Ở Dê Nuôi | Cách Phòng Tránh và Điều Trị

Sàn chuồng. 

Chọn vật liệu cứng và bền như gỗ, chiều cao so với mặt đất khoảng 40 – 60cm. Các thanh lót chuồng nhẵn và thẳng, có khe hở rộng 1,5 – 2cm bảo đảm cho phân dê có thể lọt qua dễ dàng nhưng không nên rộng quá làm kẹt chân dê, nhất là dê con mà dễ dàng vệ sinh.

Nền chuồng bên dưới sàn phải có độ nghiêng từ 2 – 3%, dốc dần về phía rãnh thoát nước.

Chuồng sàn chia ngăn theo cá thể kích thước mỗi ô cần dài: 1,5 – 1,6m rộng 0,8 – 1m, cao 1,5 – 2m.

Vách ngăn và cửa chuồng dê.

Trong những kỹ thuật chăn nuôi dê vách ngăn mục đích là cầm giữ dê ở một vị trí nhất định, vật liệu làm vách cũng giống như vật liệu làm sàn: gỗ, tre, tầm vông. Kích thước giữa các thang vách cách nhau 8 – 12cm, có độ cao từ mặt sàn lên 1,2 – 1,4m. Ngăn nuôi dê đực cần được làm chắc chắn hơn.

Cửa chuồng: Chuồng sàn chia ngăn cửa không cần rộng chỉ đủ cho dê ra vào dễ dàng khoảng 35-40cm, cao 1m, cửa nên làm chắc chắn và dễ thao tác.

Thành chuồng nuôi dê cần cao tối thiểu từ 1,5 – 1,8cm, đóng bằng gỗ hoặc tre, các nan cách nhau từ 6 – 10cm.

Mái che.

Tùy theo kiểu chuồng trại và quy mô đàn có thể lợp 1 mái, 2 mái; mái ngắn hoặc mái dài.

Nền đất: Nền đất phía dưới sàn chuồng làm cao hơn bề mặt tự nhiên 0,3m, nền nên nện chặt nếu có điều kiện nên làm bằng xi măng hoặc gạch tàu.

Máng ăn và máng uống:

Máng thức ăn thô được treo bên ngoài vách ngăn cao vừa tầm cho từng loại dê khoảng 30 – 50cm có chổ đủ cho dê đưa đầu ra ngoài dễ dàng.Kích thước máng đáy 20 – 30cm, thành ngoài 30 – 40cm, thành trong 20 – 30cm và chiều dài tùy thuộc vào kiểu chuồng.

Máng thức ăn tinh: dùng bằng gỗ ván hoặc xô chậu loại chắc chắn để dê không phá phách.

Máng uống: Nguồn nước uống có thể cung cấp trong ô chuồng (bằng xô, chậu) gắn chặt vào vách. Hoặc có thể dùng 1 cái lu để ở sân vận động cho dê uống.

Thức ăn cho dê.

  • Thức ăn thô xanh: Loại này quan trọng nhất chiếm đến 70% khẩu phần ăn. Bao gồm các loại cỏ ( cỏ tạp, cỏ lá mít, cỏ mồm, cỏ voi, cỏ lông tây),các loại rau ( rau muống, rau bèo, lá xoan, dây khoai lang, lá mít, lá sấu, thân cây chuối, thân cây đậu lạc, thân cây ngô, cỏ hòa thảo,…)
  • Thức ăn tinh: Bao gồm các nhiều hạt ngũ cốc và phụ phẩm như: thóc, bột ngô nếp, bột đậu tương, lúa mì, các loại hạt họ đậu, hạt lạc…
  • Thức ăn bổ sung: Bao gồm các loại củ quả như cà rốt, bí đỏ, khoai lang, sắn,… Ngoài ra còn có các phụ phẩm như: bã rượu bia, bã đậu phụ, rỉ mật đường, các loại thức ăn bổ sung khoáng, vitamin, bột xương, bột sò, muối ăn.

Khẩu phần ăn cho dê theo từng tháng tuổi.

Bà con cần chú ý khẩu phần thức ăn cho từng loại dê để chúng phát triển tốt nhất:

Dê con từ lúc mới sinh đến 2 tháng tuổi: 7kg thức ăn thô xanh, 1 – 1,5kg thức ăn tinh/ con/ ngày.

Dê đực giống: trung bình từ 1kg cỏ khô, 1 -2kg cỏ tươi, 2kg rơm, 200 – 500gr thức ăn hỗn hợp/ con/ ngày.

Dê hậu bị: trung bình 2 – 4kg thức ăn thô xanh, thừ 0,3 – 0,4 thức ăn củ quả, từ 0,2 – 0,3 thức ăn hỗn hợp/ con/ ngày.

Dê cái vắt sữa:1kg cỏ khô, 2kg cây lá khác, 1kg cây họ đậu, 0.5kg thức ăn hỗn hợp. Nếu dê có thể sản xuất được 2 lít sữa/ con/ ngày thì tăng khẩu phần ăn lên 2kg cỏ khô, 4kg cỏ xanh và duy trì khối lượng thức ăn hỗn hợp là 0,5kg.

Dê cái cạn sữa: Bà con nên duy trì khẩu phần: 3 – 6kg thức ăn xanh, 0,4kg thức ăn củ quả, 0,3 – 0,5kg thức ăn hỗn hợp.

Kỹ thuật chăn nuôi dê theo giai đoạn phát triển

Dê con dưới 10 ngày tuổi

Khoảng 7-10 ngày là thời gian mà dê con có thể quen với môi trường. Do mới sinh, khả năng tự vệ của dê con thấp, khả năng điều tiết và sinh thân nhiệt con yếu, sức đề khoáng với môi trường và mầm bệnh bên ngoài, các cơ quan tiêu hóa yếu, dạ cỏ chưa phát triển mạnh. Vì vậy, giai đoạn này, bà con cần tạo môi trường chăm sóc đặc biệt cho chúng.

Sau khi đỡ đẻ cho dê, bà con phải dùng khăn để lau khô, cắt rốn và đưa chúng vào nằm trong ổ đã lót sẵn rơm/khăn vải sạch trong chuồng. Lưu ý, cắt rốn cần phải vuốt sạch máu, chiều dài  cuống rốn là 3 – 5 cm.

Đảm bảo dê con và dê mẹ nghỉ ngơi trong chuồng riêng. Dê con sẽ có thể chết sau 4 giờ nếu như không được bú sữa mẹ. Vì vậy, sau từ 20 -30 phút cho dê con bú sữa dê mẹ. Nếu như dê mẹ không chịu cho con bú thì bà con giữ chặt dê mẹ, vắt bỏ ít sữa đầu, sau đó vắt sữa vào miệng dê con, tiếp tục giữ dê mẹ để dê con bú sữa. Tiếp tục cho đến khi dê mẹ có thể tự cho con bú. Bà con chú ý phải cho dê con bú đều 2 bên vú. 

Dê từ 11-45 ngày tuổi.

Khoảng 15 ngày, bà con có thể tách dê con khỏi dê mẹ để vắt sữa. Lưu ý chỉ nên vắt trung bình 2 lần/ ngày vào sáng sớm và chiều tối. Nên cho dê con vào bú  sữa ngay sau mỗi lần sữa, cần đảm bảo lưỡng sữa từ 450 – 600ml/ con/ ngày.

Thời điểm này, bà con có thể cho dê mới sinh làm quen với thức ăn dễ tiêu như các loại cám từ phụ phẩm nông nghiệp, các loại cỏ non. Sau khi dê đạt từ 20 – 45 ngày tuổi, trung bình, khẩu phần thức ăn tinh của mỗi con/ ngày phải đảm bảo từ 20 – 35 gram.

Dê sau 45 ngày tuổi.

Khi dê con được 45 ngày tuổi, hệ tiêu hóa và sức đề kháng  đã gần hoàn thiện nên chúng phát triển rất nhanh. Bà con có thể giảm dần lượng sữa mẹ từ 600 xuống 400ml/ con/ ngày, chia làm 2 lần. Qua đó có thể bổ sung nguồn thức ăn tinh 50 – 100gr/ con/ ngày, bổ sung thêm cỏ non. Lượng thức ăn này cũng sẽ tăng dần dần theo trọng lượng và cơ thể của dê con để được phát triển tốt nhất.

Đến khi 3 tháng tuổi, bà con có thể tiến hành cai sữa và bổ sung đầy đủ nguồn dinh dưỡng hàng ngày cho dê con. Đối với dê thịt, bà con có thể tiến hành cai muộn hơn nhưng không được quá muộn, bà con theo dõi và tính toán thời gian để cai sữa trước 2 tháng khi dê mẹ đẻ lứa tiếp theo.

Sau khi cai sữa, bà con nên lọc riêng dê đực, dê cái đạt tiêu chuẩn về ngoại hình để nuôi lấy giống.

Chăm sóc nuôi dưỡng dê hậu bị:

Bà con chọn những con dê cái, dê đực có ngoại hình đẹp, sinh trưởng phát dục tốt chuyển sang nuôi hậu bị. Dê hậu bị được nuôi theo khẩu phần quy định để tăng khả năng sinh trưởng phát triển. Cho ăn đầy đủ thức ăn thô xanh.

Ngoài ra còn cần cung cấp đủ nước sạch, tăng cường cho dê vận động, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, sân chơi, máng ăn, uống sạch sẽ.

Chăm sóc nuôi dưỡng dê cái sinh sản.

Chu kỳ động dục của dê thường là 21 ngày (dao động 18 – 23 ngày) thời gian mang thai trong khoảng 145 – 157 ngày, bà con cần phải chuẩn bị dụng cụ đỡ đẻ cho dê trước khi sinh 5 – 7 ngày.

Khi có chửa, nhu cầu dinh dưỡng của dê sẽ tăng dần và cao nhất là 2 tháng cuối, vì vậy phải đảm bảo đủ số lượng và chất lượng thức ăn để dê nuôi thai tốt.

Dê chửa ở giai đoạn cuối không nên chăn thả xa chuồng và tuyệt đối không được nhốt chung với dê đực.

Chăm sóc dê cái đẻ.

Dê sắp đẻ nên nhốt từng con ở những chuồng riêng đảm bảo cao ráo, ấm áp.

Chuẩn bị cũi, ổ nằm cho dê con và dụng cụ đỡ đẻ.

Thiến dê.

Thông thường kỹ thuật chăn nuôi dê khi người nuôi dê thích thiến những con dê nuôi lấy thịt. Tuy nhiên không nhất thiết phải thiến dê và thiến sẽ có nguy cơ gây nhiễm trùng. Nếu muốn thiến dê thì nên thiến trước 3 tháng tuổi, càng sớm càng tốt, để giảm bớt sốc cho con vật. Thậm chí có thể thiến dê ngay lúc 2 – 3 ngày tuổi.

Phòng bệnh cho dê

  • Luôn theo dõi sức khỏe đàn dê hàng ngày, không cho dê ăn thức ăn bẩn, dính nước mưa, bùn đất. Cho dê uống nước sạch có bổ sung thêm một ít muối.
  • Chú ý vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, sân chơi, máng ăn, uống hàng ngày, tiêu độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi 2 tuần/lần.
  • Hàng ngày trước khi chăn thả và sau khi về chuồng bà con nên kiểm tra từng con nhằm phát hiện những con bỏ ăn, đau ốm, loét miệng, chướng hơi đầy bụng để kịp thời chữa trị.
  • Nên tách riêng những con bệnh với con khỏe để theo dõi và tránh lây lan cho các con khác trong đàn.
  • Tiêm phòng cho dê các bệnh truyền nhiễm như: đậu dê, tụ huyết trùng, viêm ruột hoại tử, lở mồm long móng… và tẩy ký sinh trùng sau 3 tháng tuổi và định kỳ tiêm nhắc lại sau 6 tháng.
  • Rắc vôi bột xung quanh để khử trùng, phòng dịch bệnh cho đàn đê.

Trên đây là quy trình kỹ thuật chăn nuôi dê khoa học đạt năng suất cao. Trong quá trình thực hiện bà con có bất cứ thắc mắc gì hãy liên hệ chuyên gia của Vet24h để được hỗ trợ tốt nhất. Chúc bà con thành công.

Bài liên quan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisement -spot_img
- Advertisement -spot_img

Bài mới