spot_img

Nhận biết bệnh Viêm dạ dày ruột truyền nhiễm trên heo (TGE) và biện pháp phòng chống

Bệnh TGE – Transmissble gastroenteritis of swine hay còn gọi là bệnh viêm dạ dày ruột truyền nhiễm đường tiêu hóa lây lan nhanh ở loài heo, do một loại virus gây ra. Đặc trưng của bệnh là con vật nôn mửa, tiêu chảy nặng, tỷ lệ chết cao. Bệnh hay xảy ra vào mùa đông.

Sau khi virus TGE xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa sẽ làm teo các lông nhung, làm giảm đáng kể hoạt tính của các men tiêu hóa ở ruột non, phá hủy sự tiêu hóa và vận chuyển dinh dưỡng, chất điện giải của tế bào, tạo ra hội chứng rối loạn hấp thu cấp tính, dẫn đến hiện tượng tiêu chảy và mất nước. Heo thường bị chết do mất chất điện giải và trúng độc axit.

1. Nguyên nhân gây bệnh

  • Viêm dạ dày ruột truyền nhiễm (TGE) do một virus thuộc nhóm Coronavirus gây ra. Virus chứa ARN, có hình tròn đặc biệt, vây quanh bởi một vành các chồi đâm nhô ra và được phủ bởi một lớp bọc protein dễ bị phá huỷ bởi các chất sát trùng. Virus kháng axít, không bị tiêu diệt bởi axit chlorhydric (HCL) và Tripcin của dạ dày, ruột, cho phép nó đi xuống ruột và gây nhiễm cho ruột non.
  • Virus có tính hướng khu trú trong các tế bào biểu bì dạ dày ruột, nhất là ruột non. Chúng kí sinh và sinh sản trong nguyên sinh chất tế bào biểu bì.
  • Sau khi heo bị nhiễm virus, trong giai đoạn sốt có thể tìm thấy virus ở trong máu và trong tất cả các cơ quan tổ chức của cơ thể heo bệnh.
  • Virus TGE có thể gây bệnh cho heo ở mọi lứa tuổi song nặng nhất là ở heo con từ 1 – 3 tuần tuổi, gây chết chủ yếu ở heo từ 4 – 10 ngày

2. Đặc điểm dịch tễ

  • TGE là một bệnh chỉ có ở heo. Chó, mèo, cáo, chồn,… có thể bị nhiễm và mang trùng virus TGE. Chúng thải virus qua phân, nước tiểu và các dịch tiết khác. Ruồi cũng được coi là vật truyền TGE cơ học do bản thân chúng mang mầm bệnh.
  • Heo nhiễm bệnh TGE chủ yếu qua ăn, uống hoặc heo hít phải virus lơ lửng trên không khí do chúng ở trong chuồng kín. Virus sinh sôi trong nguyên sinh chất tế bào biểu bì của dạ dày, ruột và được thải ra môi trường xung quanh qua phân và nước tiểu rồi gây nhiễm sang heo khác.
  • Virus có thể tồn tại ở ruột và có thể ở đường hô hấp lâu tới 2 – 3 tháng
  • Heo cai sữa thường không bị chết bởi bệnh TGE. Khi chúng khỏi bệnh hoặc heo lớn khoẻ mạnh thường mang mầm bệnh hàng năm trời và truyền mầm bệnh cho các con khác trong đàn. Các ổ dịch TGE mới thường xảy ra vào mùa đông. Điều này có thể được giải thích là do điều kiện khí hậu của mùa đông ít ánh sáng mặt trời, nhiệt độ thấp nên có lợi cho sự sống của virus và bệnh nhanh chóng lây lan ra cả đàn, cả trại. Mặt khác, thời tiết lạnh và thay đổi thất thường là yếu tố làm giảm khả năng kháng bệnh của heo khiến chúng dễ mắc bệnh.

3. Cơ chế gây bệnh

  • Sau khi virus thâm nhập vào cơ thể, chúng qua đường huyết đến tất cả các cơ quan, nhưng nơi mà chúng khu trú thích hợp nhất để sinh sản là trong các tế bào biểu bì dạ dày, ruột, đặc biệt là ở ruột non.
  • Khi virus TGE vào trong tế bào ruột, chỉ sau 4 – 5h nó đã tự nhân lên hàng trăm lần theo cấp số nhân rồi phá huỷ các tế bào nhung mao ruột. Khi tế bào nhung mao bị phá huỷ thì hàng triệu hạt virus được giải phóng và nhiễm sang các tế bào tương tự khác. Sau 4 – 5 chu kỳ nhân lên của virus thì hầu hết các tế bào niêm mạc đường tiêu hoá của heo sơ sinh bị phá huỷ, gây rối loạn chức năng trao đổi chất, tăng nhu động ruột sinh ra tiêu chảy.
  • Sữa hoặc các thức ăn khác ăn vào không tiêu hoá được và bị đẩy ra ngoài. Mất nước và không hấp thụ các chất dinh dưỡng làm cho heo bị đói hoặc bị chết.
  • Ngoài các biến đổi ở đường tiêu hoá, virus gây viêm dạ dày ruột còn gây thoái hoá, hoại tử cơ tim, cơ vân, nhất là ở cơ lưng làm cho heo bị đình trệ vận động và lâm vào trạng thái trầm cảm.

4. Triệu chứng lâm sàng

  • Viêm dạ dày ruột truyền nhiễm là một bệnh nhẹ đối với heo lớn nhưng lại rất nặng khi xảy ra ở heo từ 1 – 10 ngày tuổi và ở heo nái bệnh xảy ra lúc đẻ hoặc gần khi đẻ. Heo con bị tiêu chảy nhiều hoặc ít trong một vài ngày kèm theo nôn mửa và heo thường bỏ ăn. Do không ăn, heo có thể sút cân, nhưng phần lớn sau khi khỏi bệnh chúng hồi phục trở lại rất nhanh.
  • Các dấu hiệu lâm sàng ở heo sơ sinh rất nặng. Tiêu chảy thường bắt đầu 16 – 30 giờ ngay sau khi heo tiếp xúc với virus. Heo sinh ra ở chuồng heo đẻ có dịch TGE lúc đầu khỏe mạnh bình thường, sang ngày hôm sau, các dấu hiệu đầu tiên của bệnh xuất hiện một cách bất ngờ. Tuy nhiên, tiêu chảy cũng có thể quan sát thấy ở heo ngay những giờ đầu tiên sau sinh.
  • Dấu hiệu đầu tiên ở heo sơ sinh là nôn mửa sau đó là tiêu chảy. Nhưng ở các chuồng mà con nái mẹ đi lại tự do thì có thể không thấy điều này, vì heo mẹ ăn ngay chất nôn ra. Tiếp theo nôn mửa là tiêu chảy xảy ra rất nhanh. Tiêu chảy lần đầu có thể không phát hiện được vì rất ít và phân toàn là nước. Phân chảy theo chân sau và nhỏ xuống theo đuôi. Khi bệnh tiến triển, tiêu chảy trở nên thường xuyên, mông sau ướt, lấm đất và mùi phân khó chịu, có mầu vàng ghi hoặc vàng xanh đôi khi lẫn máu, chú ý quan sát thấy có chứa một ít cặn sữa của sữa không tiêu hoá và đọng như nước bùn trên sàn.

Heo con theo mẹ nôn mửa, tiêu chảy

  • Heo bị mất nước, mắt trũng sâu và lông xù. Chúng rất khát và muốn uống nước hoặc cố gắng bú mẹ mặc dù rất yếu. Phần đông heo chết do TGE khoảng 2- 5 ngày sau khi nhiễm bệnh. Heo càng non càng bị chết sớm. Tỷ lệ chết đạt tới 100% ở heo con từ 1 – 10 ngày tuổi.
  • Heo bị TGE rất mẫn cảm với nhiệt độ lạnh và gió lùa, điều này có thể giải thích tại sao heo con bị bệnh lại chết nhanh. Các heo sống qua đợt bệnh từ 6 – 8 ngày thường hồi phục nhanh, nhưng cũng có nhiều con trở nên còi cọc, chậm lớn
  • Heo nái nhiễm bệnh ngay lúc đẻ hoặc sau khi đẻ bị sốt cao, mệt mỏi thường nôn mửa, bỏ ăn và bị tiêu chảy phân xanh xám. Lượng sữa giảm và có thể ngừng tiết sữa, ngại và không muốn cho con bú. Tuy nhiên tỷ lệ chết lại không đáng kể. Bệnh kéo dài 4 – 5 ngày và heo bệnh tự khỏi.

5. Bệnh tích lâm sàng

a. Thể cấp tính: 

  • Ruột, đặc biệt là ruột già, căng phồng chứa đầy chất lỏng, chứa nhiều cục sữa vón không tiêu hoặc bán lỏng lẫn bọt khí.
  • Niêm mạc dạ dày và ruột non bị viêm đỏ tấy, bị phù nề.

Ruột căng phồng, bên trong chứa thức ăn chưa tiêu

b. Thể á cấp tính 

  • Niêm mạc dạ dày bị viêm từ cata đến viêm hoại tử. Trên niêm mạc ruột già hình thành nhiều nếp nhăn ngang. Có những cục sữa không tiêu bị vón đọng, thành ruột non rất mỏng và trong suốt.
  • Hạch lâm ba màng treo ruột sưng dày, to vừa phải và đôi khi thấy xuất huyết dưới vỏ hạch.
  • Màng phổi và phúc mạc có nhiều sợi fibrin bám dính tạo thành lưới fibrin.
  • Cơ tim bị thoái hoá. Tim to, nhão và gọi là tim sư tử.
  • Thoái hoá cơ vân nhất là cơ tim, cơ lưng và cơ mông. Vì thế ở một số, chỗ cơ tim có màu xám bạc như thịt cá luộc..
  • Trường hợp bị bội nhiễm thì bệnh tích còn phức tạp hơn và mang theo dấu ấn của bệnh thứ phát.
  • Xét nghiệm vi thể thấy các biến đổi đặc trưng như:
  • Các nhung mao của không tràng và hồi tràng bị teo đi hoặc bị bong tróc.
  • Viêm ruột cata hay xuất huyết tạo nên các không bào, thoái hoá tế bào biểu bì ruột và phù nề lớp thanh mạc (mucose).
  • Thoái hoá cơ vân, cơ tim và còn thấy thoái hoá các tế bào ống nhỏ của thận.

Bệnh tích heo con chết do T.G.E 

6. Chẩn đoán bệnh

a. Chẩn đoán lâm sàng

  • Dựa trên các dấu hiệu lâm sàng điển hình: Bệnh tiêu chảy lan tràn trong đàn, nặng nhất là heo sơ sinh từ 1 – 10 ngày tuổi với tỷ lệ ốm và chết tới 100%. Mổ khám thấy sữa không tiêu, ruột căng phồng chứa đầy nước hoặc bán lỏng màu vàng, đôi khi thấy thoái hoá cơ tim và cơ vân (lưng, đùi,…).
  • Các phản ứng huyết thanh trung hoà virus và kháng thể huỳnh quang FA, phân lập virus cho kết quả chẩn đoán chắc chắn.

b. Chẩn đoán phân biệt

Ổ dịch TGE cần phân biệt với tiêu chảy do Rotavirus vì bệnh này cũng chủ yếu xảy ra ở heo cùng lứa tuổi và bệnh cầu trùng heo Coccidiosis do Isopora suis gây ra chủ yếu gây tiêu chảy ở heo 7 – 10 ngày tuổi.

Tiêu chảy do Rotavirus

    • Tiêu chảy do Rotavirus thường xuất hiện ở heo từ 1 – 8 tuần tuổi. Bệnh phụ thuộc vào mức độ bảo hộ của kháng thể trong sữa đầu.
    • Nếu nái đẻ không được tiêm phòng chủ động hoặc được tiêm phòng nhưng đáp ứng miễn dịch không tốt thì heo con sinh ra từ những nái này sẽ bị bệnh ngay sau khi sinh 1 – 7 ngày. Tỷ lệ mắc bệnh và chết rất cao 50 – 90%.
    • Bệnh tiêu chảy do TGE thấy ở tất cả các lứa tuổi heo, nhưng nặng nhất ở heo con từ 1 – 10 ngày tuổi đặc trưng với các biểu hiện tiêu chảy chứa sữa không tiêu và luôn kèm theo nôn mửa. Tỷ lệ chết ở lứa tuổi này rất cao tới 100%, nhưng lại bằng 0% khi heo đã qua 21 ngày tuổi.

Biểu hiện của hai bệnh:

  • Heo con bị tiêu chảy do Rotavirus có phân lúc đầu loãng với màu vàng trắng hoặc trắng. Heo con ỉa ra toàn nước hoặc toàn sữa (bú vào không tiêu lại thải ra). Nhưng sau đó không lâu lại chuyển sang đặc như kem, keo quánh lại. Heo bệnh gầy sút chậm. Tiêu chảy kéo dài 5 ngày, những heo không bị chết trong thời gian này sẽ tự khỏi. Đối với heo sau cai sữa có thể bị tái nhiễm lại và bị tiêu chảy nhưng ít khi bị chết.
  • Tiêu chảy do TGEv rất nặng ở heo con từ 1 – 10 ngày tuổi. Các biểu hiện bắt đầu từ nôn mửa sau đó đến tiêu chảy. Phân loãng, có màu vàng ghi, vàng xanh, đôi khi lẫn máu kèm theo các cục sữa không tiêu. Ngoài heo con còn thấy tiêu chảy ở tất cả các lứa tuổi khác trong chuồng, trong trại

Mổ khám bệnh tích

Bệnh tiêu chảy do Rotavirus:

  • Ở heo dưới 21 ngày tuổi: dạ dày thường chứa đầy thức ăn không tiêu. Đoạn ruột non từ 1/3 – 2/3 ngay sau dạ dày chứa đầy chất lỏng màu vàng hoặc ghi xám. Cũng tương tự như vậy thấy chất chứa đầy trong ruột thừa và trực tràng.
  • Ở heo trên 21 ngày tuổi: không thấy các biểu hiện trên. Hạch lympho màng treo ruột nhỏ và rắn chắc.

Bệnh tiêu chảy do TGEv:

  • Trong ruột đặc biệt là ruột già căng phồng, chứa nhiều nước màu vàng ghi hoặc vàng xanh, có nhiều cục sữa không tiêu lẫn nhiều khí và đôi khi có máu.
  • Thành ruột non rất mỏng và trong suốt.
  • Heo bệnh gầy sút rất nhanh và chết cũng rất nhanh.
  • Hạch lympho ruột sưng to vừa phải, đôi khi thấy xuất huyết dưới màng.
  • Màng phổi và phúc mạc có nhiều dợi fibrin bám dính.
  • Khác với tiêu chảy do Rotavirus, ở bệnh viêm dạ dày ruột (TGE): cơ vân bị thoái hoá nhất là ở cơ tim, cơ lưng. Tại đây có nhiều điểm xám xịt như thịt luộc.

7. Kiểm soát bệnh

Bước 1: Phòng bệnh bằng biện pháp an toàn sinh học

  • Chỉ nhập heo với lý lịch rõ ràng, đã qua kiểm tra huyết thanh âm tính với bệnh TGE, cố gắng theo nguyên tắc cùng vào cùng ra.
  • Giữ gìn vệ sinh thú y thật tốt đặc biệt là nhiệt độ chuồng nuôi phải đủ ấm cho heo con sơ sinh.
  • Không mang thịt heo sống hoặc sản phẩm heo sống vào trang trại heo với bất kỳ lý do và hình thức nào.

Bước 2: Vệ sinh và sát trùng

  • Khu chăn nuôi: Tạo hàng rào cách ly khu vực chăn nuôi với môi trường bên ngoài, nhằm ngăn chặn người lạ, gà, vịt, chó, mèo, chuột… vào khu vực chăn nuôi.
  • Ngoài chuồng: Rắc vôi bột sung quanh chuồng nuôi và lối đi một lớp dày 1-2cm, rộng 1,5m tạo vành đai vôi bột và phun ẩm nhằm loại trừ các nguyên nhân gây bệnh.
  • Tiểu khí hậu chuồng nuôi: Đảm bảo về mật độ nuôi, thông thoáng và đủ nhiệt độ.
  • Trong chuồng: Sát trùng định kỳ bằng các thuốc sát trùng theo liều hướng dẫn, phun 2-3 lần/tuần.
  • Vật nuôi: Theo dõi đàn heo, phát hiện các dấu hiệu lâm sàng của heo nghi bị bệnh, kết hợp kiểm tra huyết thanh để xác định chính xác bệnh và áp dụng các biện pháp phòng trị tích cực.
  • Xử lý chất thải: Pha trộn men Biofarm với nước để xử lý nước thải, hồ Biogas liều 1kg/1000m3 nước. Đặc biệt trong chăn nuôi heo pha Biofarm cho uống và phun là giải pháp hữu hiệu nhất có thể giảm tới 90% mùi khó chịu.

Bước 3: Kiểm soát bằng Vaccine

  • Sử dụng vaccine sống thường dùng cho heo nái 6 – 8 tuần sau khi thụ thai và nhắc lại vào 2 – 4 tuần trước khi đẻ. Có thể cho uống, tiêm bắp, tiêm vào tuyến vú hoặc kết hợp các cách này.
  • Các vaccine tiêm trước khi heo đẻ 15 ngày sẽ tạo được mức kháng thể cao ở sữa đầu và bảo hộ chắc chắn cho heo con sau khi sinh từ 3 – 7 ngày và có thể đến 10 ngày.

Bước 4: Tăng sức đề kháng

  • Sử dụng các sản phẩm có tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, chống nóng và tăng sức đề kháng pha nước nước uống.
  • Sử dụng các sản phẩm có tác dụng: Tăng cường chức năng gan-thận và giải độc pha nước uống hoặc trộn thức ăn.
  • Bổ sung men tiêu hoá nhằm tăng khả năng tiêu hoá thức ăn, giảm mùi hôi, giảm tiêu chảy và phân khô

8. Xử lý khi bệnh TGE xảy ra

Hiện tại, trên thế giới chưa có thuốc điều trị bệnh viêm dạ dày ruột truyền nhiễm (TGE). Để giảm thiểu thiệt hại khi bệnh xẩy ra cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Vệ sinh và sát trùng

  • Khu chăn nuôi: Tạo hàng rào cách ly khu vực chăn nuôi với môi trường bên ngoài, nhằm ngăn chặn người lạ; các loại động vật như: gà, vịt, chó, mèo, chuột… vào khu vực chăn nuôi.
  • Ngoài chuồng: Rắc vôi bột sung quanh chuồng nuôi và lối đi một lớp phủ kín, rộng 1,5m tạo vành đai vôi bột và phun ẩm nhằm loại trừ các nguyên nhân gây bệnh.
  • Tiểu khí hậu chuồng nuôi: Đảm bảo về mật độ nuôi, giữ chuồng sạch, khô, thông thoáng và nhiệt độ phù hợp.
  • Trong chuồng: Sát trùng định kỳ bằng các thuốc sát trùng với liều hướng dẫn phun 2-3 lần/tuần.
  • Xử lý chất thải: Pha trộn men Biofarm với nước để xử lý nước thải, hồ Biogas liều 1kg/1000m3 nước. Đặc biệt trong chăn nuôi heo pha Biofarm cho uống và phun là giải pháp hữu hiệu nhất có thể giảm tới 90% mùi khó chịu.

Bước 2: Chăm sóc heo con bị bệnh

  • Như đã phân tích ở trên, nguyên nhân gây chết của bệnh TGE là suy kiệt, chết đói, mất nước và toan hoá. Heo mắc bệnh bị giảm khả năng hấp thụ nước, các chất dinh dưỡng và mất nhiệt.
  • Đối với heo con bị bệnh cần được giữ ấm, khô ráo, tránh gió lùa và bù điện giải, chống mất nước như sau:
  • Nếu heo con bị tiêu chảy nặng thì bơm thêm men tiêu hoá trực tiếp vào miệng heo bệnh 2 lần/ngày, sử dụng 2 – 3 ngày heo sẽ hồi phục trở lại.
  • Nếu heo mẹ mất sữa thì heo con phải được nuôi bộ bằng sữa thay thế pha theo liều hướng dẫn với nước ấm, cho uống  5 – 6 lần/ngày đến sau cai sữa 7 ngày.
  • Đặc biệt chú ý không được để heo bệnh TGE mất nước, trong nước uống luôn phải bổ sung thêm điện giải pha đúng tỷ lệ sẽ giúp heo có sức chịu đựng trong thời gian bị bệnh.
  • Chú ý: Phải kiên trì điều trị đủ 5 – 7 ngày mới cho kết quả tốt. Đối với nái chửa, nái không chửa và heo vỗ béo hiệu quả điều trị đạt rất cao. Tuy nhiên, đối với heo con theo mẹ thì hiệu quả còn hạn chế.

Bước 3: Kiểm soát vi khuẩn kế phát

  • Một số ca xuất hiện nhiễm khuẩn thứ phát, có thể điều trị kháng sinh mặc dù nó không ngăn cản được quá trình nhiễm virus ở heo.
  • Xử lý từng cá thể bằng kháng sinh uống như LincoSpec, Coli Spec, Amox – Colis…

Bước 4: Tăng sức đề kháng

  • Sử dụng các sản phẩm có tác dụng tăng cường chức năng gan-thận và giải độc
  • Sử dụng các sản phẩm có tác dụng tăng khả năng tiêu hoá thức ăn, giảm mùi hôi, giảm tiêu chảy và phân khô

Vet24h Animal Health Team

Bài liên quan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisement -spot_img
- Advertisement -spot_img

Bài mới