spot_img

Bệnh Tai Xanh Ở Lợn Và Các Phương Pháp Phòng Tránh

Bệnh tai xanh là là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh và làm chết nhiều lợn nhiễm bệnh gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi lợn. Trong ngành chăn nuôi ở Việt Nam, đã có rất nhiều đợt dịch lợn tai xanh bùng phát gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nông dân lẫn kinh tế.

Nguyên nhân gây bệnh 

Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn (PRRS viết tắt của: Porcine reproductive and respiratory syndrome) hay còn gọi là bệnh tai xanh ở lợn (lợn là loài động vật duy nhất mắc hội chứng này). Bệnh phát hiện đầu tiên ở Mỹ năm 1987, sau đó lan rộng trên nhiều quốc gia của Châu Âu và Châu Á. 

Bệnh tai xanh xảy ra ở mọi lứa tuổi của đàn lợn và  lây lan rất nhanh (chỉ 3-5 ngày) nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Đặc biệt, nó còn có khả năng gây chết nhiều cho đàn khi ghép hoặc kết phát các loại bệnh truyền nhiễm khác như: Dịch tả lợn, phó thương hàn, tụ huyết trùng… 

Nguyên nhân gây bệnh và cách lây lan

Bệnh tai xanh ở lợn (PRRS) do một loại Arterivirus (virus PRRS), họ Arteriviridae, thuộc giống Nidovirales gây ra. Virus PRRS có khả năng phá hủy và giết chết tế bào đại thực bào của lợn, làm suy giảm nghiêm trọng sức đề kháng của lợn bệnh. Từ đó, tạo điều kiện cho các vi khuẩn thứ phát gây bệnh viêm phổi như: bệnh dịch tả lợn, suyễn lợn, liên cầu khuẩn , tụ cầu khuẩn, tụ huyết trùng phát sinh khiến lợn càng bệnh trầm trọng hơn. Lợn chết chủ yếu là do các bệnh kế phát chứ không phải do virus tai xanh. 

Virus sẽ từ trong dịch mũi, nước bọt, tinh dịch (trong giai đoạn nhiễm trùng máu), chất thải của lợn bệnh phát tán ra môi trường. Ở lợn nái mẹ đang mang thai hoặc đang nuôi con mà bị bệnh tai xanh, virus có thể lây nhiễm cho bào thai từ giai đoạn giữa thai kỳ trở đi hoặc bài thải qua nước bọt và sữa mẹ. 

Phương thức lây bệnh là thông qua tiếp xúc trực tiếp giữa lợn bệnh và lợn khỏe mạnh. Virus dịch tai xanh sẽ phát tán qua các phương tiện vận chuyển mang mầm bệnh, theo không khí (từ dưới 3km), bụi, bọt nước, dụng cụ chăn nuôi và dụng cụ bảo hộ lao động nhiễm trùng, thụ tinh nhân tạo và có thể do chim hoang.

Các triệu chứng bệnh tai xanh ở lợn

Đặc trưng của dịch lợn tai xanh là khiến lợn nái chửa sảy thai, thai chết lưu. Triệu chứng điển hình của lợn bệnh là sốt cao trên 40°- 41oC, viêm phổi nặng; đặc biệt là ở lợn con vừa cai sữa mà bị viêm phổi sẽ chết rất nhanh.

Trên lợn nái đẻ và nái chửa

Bệnh tai xanh trên lợn nái luôn là ở thể thứ cấp. Tuy nhiên, các dấu hiệu lại không xảy đến dồn dập mà lại biểu hiện ra một cách từ từ. 

– Biểu hiện trên cơ quan hô hấp: lợn chảy nước mắt dàn dụa, hắt hơi, sổ mũi, chảy mủ hoặc đổ máu cam.  Những con lợn nái bệnh hay lờ đờ mệt mỏi, nằm bẹp một chỗ.

– Biểu hiện ngoài da: Da của lợn nái phát ban ửng đỏ đặc biệt ở vùng da mềm, bụng bẹn, tứ chi, mõm, tai… Sau 4-5 ngày, trên da xuất hiện đôi chỗ bị lở loét và tăng nặng dần theo thời gian bị bệnh.

– Biểu hiện trên đường tiêu hóa: Một số con lợn nái có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy. Lợn vẫn ăn nhưng ăn yếu, lúc ăn lúc không.

Đối với lợn nái chửa, đặc biệt với những con mang thai ở giữa thai kỳ sau khi phát bệnh 2-5 ngày chúng có thể bị sảy thai hoặc đẻ non. Cũng có trường hợp một số nái đẻ chậm (sau 114 ngày) tới 5-7 ngày, thậm chí 7-10 ngày. Thai chết có màu nhợt nhạt, trên xác có một số đốm bị thối rữa. Những con lợn sơ sinh từ lợn mẹ bệnh đẻ ra thì thường chết yểu, tỷ lệ chết cao gần như 100%. Điều đặc biệt là xen kẽ các thai bị chết thì có một số thai vẫn phát triển hầu như bình thường

Trên lợn con theo mẹ

Thông thường những lợn con theo mẹ may mắn sống sót thì hay ngơ ngác, không linh hoạt, chân yếu, đi lại không vững nên phải dạng rộng chân. Một số biểu hiện đặc trưng là: 

  • Khi mới mắc bệnh, lợn con bồn chồn đau bụng, đi lại lung tung sau đó sẽ dần viêm phổi nặng kèm theo tiêu chảy rất nặng. 
  • Phát ban đỏ ở phần da mềm: bụng, bẹn, háng, mõm, tai và chuyển sang xanh tím sau vài ba ngày. Đó cũng là lý do bệnh có tên là tai xanh. 
  • Lợn con ủ rũ mất tinh thần, đói dẫn đến ốm yếu, xù lông, chân cong, hay thở dốc và thở thể bụng (như loài chó) như bệnh suyễn.
  • Mí mắt sưng húp, viêm kết mạc mắt.

Trên lợn thịt

Biểu hiện bệnh tai xanh trên lợn thịt khá giống lợn con theo mẹ, trong đó triệu chứng phổ biến vẫn là sốt cao 40 – 41,5 độ, mõm khô, lờ đờ, ăn kém, mệt mỏi, hay nằm tụm đống và tiêu chảy nhiều. Phần rìa tai tím tái hoặc phát ban đỏ toàn thân đặc biệt ở mõm, tai, bụng, bẹn.. Tim lợn thịt đập nhanh, dễ dẫn đến chết do đột quỵ và chết do trụy hô hấp. 

Lợn đứng lên ngồi xuống khó bởi bị bại mông, yếu chân sau. Mí mắt sưng tấy và chuyển thâm sau vài hôm, mắt lõm sâu tạo cảm giác như đang đeo kính. Tỷ lệ chết ở lợn thịt do dịch tai xanh không đáng kể. Tuy nhiên thời gian kéo dài hàng tuần, cộng thêm các bệnh thứ phát mới dẫn tới tỷ lệ tử vong cao.

Xem thêm: BỆNH LIÊN CẦU KHUẨN– BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ

Trên lợn đực giống

Dấu hiệu tai xanh trên lợn đực giống cũng gần tương tự như lợn nái chửa, nái nuôi con. Đó là:

  • Lờ đờ, chảy nước mắt, mõm khô và sốt cao, da phát ban đỏ. 
  • Bìu dái lúc đầu nóng, đỏ sau chuyển sang lạnh, tím tái, một số con bị mất cân bằng về độ lớn giữa hai hòn dái.
  • Tinh trùng loãng, lợn không chịu nhảy đực.
  • Lợn bỏ ăn dần, cân nặng sút kém nhanh do viêm phổi nặng.

Cách xử lý và trị bệnh tai xanh của lợn

Bởi bệnh tai xanh trên lợn là do virus gây ra nên hiện thời vẫn chưa có thuốc đặc trị. Do đó, các cơ sở chăn nuôi khi phát hiện lợn ốm, chết và có biểu hiện của bệnh tai xanh thì phải báo ngay cho nhân viên thú y cấp xã và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh lây lan sang các đàn lợn lân cận.

Người nuôi có thể thực hiện các cách khống chế dịch bệnh như sau:

  • Cách ly lợn bệnh tai xanh ra khu vực riêng, không cho tiếp xúc với lợn khỏe mạnh.
  • Vệ sinh dụng cụ chăn nuôi, máng ăn, giày dép khi vào trang trại.
  • Khử trùng và tiêu độc toàn bộ khu vực chăn nuôi có nhiễm mầm bệnh bằng thuốc phun chuyên dụng.
  • Tiêu hủy lợn chết theo quy định của ngành thú y, tuyệt đối không lén bán lợn bệnh hoặc thả xuống nguồn nước, ao hồ. 
  • Tăng sức đề kháng toàn đàn bằng việc bổ sung chế phẩm sinh học và vitamin C trộn cho ăn.
  • Khống chế các bệnh kế phát khác (tùy vào từng loại bệnh). Có thể dùng kháng sinh có hoạt phổ rộng để điều trị các bệnh kế phát do vi khuẩn gây ra như: tetracycline, trimethoprim, penicillin…
  • Bố trí tiêm phòng vaccine khi hết bệnh và ổn định.

Hướng dẫn phương pháp phòng tránh bệnh tai xanh ở lợn

Phòng bệnh hơn là để bệnh xảy ra rồi mới chữa. Vì vậy, người chăn nuôi có thể tiến hành phòng bệnh cho đàn lợn thường xuyên bằng cách:

Phun khử trùng thường xuyên cho trang trại
  • Tiêm phòng vắc xin định kỳ đầy đủ cho lợn: bệnh tai xanh, dịch tả, tụ huyết trùng, thương hàn,…
  • Cung cấp thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, vitamin nhằm tăng sức đề kháng cho heo.
  • Giữ chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc khử trùng hàng tuần và vệ sinh tối thiểu 1 lần/ngày cho môi trường chăn nuôi. Chú ý giữ chuồng nuôi luôn khô ráo, mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
  • Bổ sung thêm chế phẩm sinh học vào thức ăn cho heo nhằm khống chế vi khuẩn gây bệnh trên đường hô hấp và tiêu hóa của heo.
  • Định kỳ lấy mẫu xét nghiệm bệnh để phát hiện sớm virus, vi khuẩn gây bệnh.
  • Hạn chế nhập heo mới vào đàn (trước khi nhập đàn phải nuôi cách ly để theo dõi tối thiểu 3 tuần).

Bài viết trên đã chia sẻ về kỹ thuật chăn nuôi heo và cách phòng tránh bệnh trên heo của Vet24h, chúc các bạn thành công

Bài liên quan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisement -spot_img
- Advertisement -spot_img

Bài mới