- Chẩn đoán bệnh
1.1. Chẩn đoán lâm sàng
Để quản lý sức khoẻ đàn heo và dịch bệnh trong trang trại cần tiến hành công tác khám, chẩn đoán lâm sàng thường xuyên liên tục để xử lý kịp thời và có hiệu quả.
Sức khỏe của đàn heo được xem xét qua thăm khám từng cá thể kết hợp sức khỏe chung của toàn đàn.
Bộ phận kỹ thuật cần có sổ bệnh án theo dõi lịch sử bệnh, kiểm tra lâm sàng cá thể, môi trường và mổ khám bệnh.
Khi tiến hành thăm khám cá thể dựa vào các tiêu chí sau:
a. Kiểm tra tư thế:
Bằng phương pháp quan sát cá thể cho phép xem xét biểu hiện của heo bệnh. Tuỳ theo từng biểu hiện lâm sàng biểu hiện của heo nghi mắc bệnh sẽ giúp bác sỹ thú y (BSTY) nhận biết được bệnh làm cơ sở cho việc chẩn đoán sau này. Ví dụ như:
- Trong điều kiện lạnh, heo thường nằm sấp, co 4 chân lại, nhiều heo nằm tụm lên nhau. Đối với heo con thường nằm chồng đống lên nhau hoặc nằm lên bụng mẹ.
- Heo ngại đứng hoặc đứng dậy khó khăn thường do qùe, nếu qùe chân trước heo có thể chống mõm xuống sàn chuồng để giảm trọng lượng đè lên chân bị đau.
- Tư thế ngồi kiểu chó thường là dấu hiệu khó thở của các bệnh như suyễn, APP, thiểu năng tuần hoàn tim mạch hay thiếu máu.
b. Hoạt động:
- Các hoạt động của heo được quan sát và đánh giá bằng cách so sánh với các cá thể khác trong cùng ô chuồng để xác định xem heo có thờ ơ hay bị kích động không.
- Sự thay đổi tập tính thường liên quan đến các vấn đề về lâm sàng của hệ thống nội tạng hoặc các vấn đề toàn thân như mệt mỏi, sốt cao
c. Ngoại hình
Được đánh giá thông qua quan sát trực tiếp heo nghi mắc bệnh so với các cá thể khác trong cùng ô chuồng hoặc cùng đàn.
Thông qua ngoại hình đánh giá mức độ đồng đều của đàn và sự hao hụt về thể trạng của những cá thể mắc bệnh so với bình thường
d. Một số dấu hiệu lâm sàng bên ngoài
Nhịp thở của heo thường dao động khá rộng nên cần phải so sánh với các cá thể khác trong cùng đàn. Thở nhanh, thở bụng thường là do viêm phổi, màng phổi .v.v. kèm theo sốt cao.
Thân nhiệt đo ở trực tràng và có giá trị lớn trong chẩn đoán bệnh (có thể kiểm tra ở góc tai).
Màu da và lông thường được quan sát ở mũi, tai, sườn bụng dưới, mặt trong đùi, âm hộ .v.v.. Đối với heo trắng, màu da tái nhợt là dấu hiệu của bệnh tim mạch, màu đỏ thường do tăng huyết áp và nhiễm khuẩn máu, màu vàng liên quan đến thiểu năng chức năng gan hoặc gây tan huyết .v.v.. Heo khỏe mạnh có lông bóng mượt; heo bệnh lông xù và khô do lạnh, ốm yếu, suy dinh dưỡng.
Mắt: Mắt kèm nhèm có dử mắt ở nhiều cá thể trong đàn là dấu hiệu của các vấn đề hô hấp do thông thoán chuồng nuôi kèm
1.2. Mổ khám
Mỗi bệnh có bệnh tích điển hình riêng; tuy nhiên có một số bệnh có đặc điểm bệnh tích giống nhau. Vì vậy, khi mổ khám cần phải có BSTY và TPT cùng hội chẩn. Cần quan sát kỹ, phân tích những thay đổi do bệnh của các cơ quan thuộc hệ thống tiêu hóa, hô hấp, hệ bài tiết, hệ tuần hoàn và các hạch lâm ba .v.v.. Ghi chép đầy đủ các thông tin về triệu chứng lâm sàng, bệnh tích vào biên bản mổ khám. Dụng cụ thú y, đồ bảo hộ sau khi mổ khám xong phải ngâm vào chậu sát trùng, vệ sinh sạch sẽ ngay tại nơi mổ khám, thiêu hủy những vật dụng không cần thiết.
1.3. Xét nghiệm
Đối với bệnh truyền nhiễm có diễn biến phức tạp, nguy hiểm, gây thiệt hại lớn sau khi đã chẩn đoán lâm sàng, chẩn đoán bằng kháng sinh và mổ khám mà không xác định được nguyên nhân gây bệnh thì nhất định phải tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm.
2. Điều trị
- Hàng ngày BSTY kết hợp cùng công nhân chăn nuôi kiểm tra tình hình sức khỏe đàn heo và tổ chức điều trị vào đầu buổi sáng và cuối buổi chiều.
- BSTY chịu trách nhiệm chuẩn đoán, lập liệu trình điều trị và các biện pháp hỗ trợ khác.
- Công nhân đứng chuồng có trách nhiệm phát hiện, báo cáo và thực hiện các chỉ định điều trị theo liều trình mà BSTY hướng dẫn. Trường hợp khó chẩn đoán, điều trị phải báo cáo kịp thời cho TPT để tổ chức hội chẩn và tìm giải pháp xử lý thích hợp; nếu bệnh với số lượng lớn và có tính nguy hiểm BSTY sẽ báo cáo kịp thời cho TPT để báo cáo với cấp cao hơn nhằm đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.
Tổng kết điều trị : Theo kế hoạch tuần BSTY phải báo cáo tổng kết và báo cáo kịp thời các nội dung sau:
- Số heo bệnh/từng loại bệnh, Số heo khỏi – không khỏi bệnh và chết của từng đối tượng heo
- Số lượng thuốc nhận trong tuần, thuốc sử dụng và tồn của mỗi loại thuốc.
- Thường xuyên kiểm tra sổ sách ghi chép, số liệu theo dõi và báo cáo của công nhân.
- Tổng kết giá thành sử dụng thuốc toàn trại theo tuần – tháng – qúy– năm.
- Tính chi phí bình quân thuốc sử dụng trên một đối tượng heo bệnh theo tuần.
- Tổng kết tỷ lệ heo bệnh của từng đối tượng heo trên từng lọai bệnh theo tuần.
- Trường hợp có dịch bệnh (chết cao so với tỷ lệ cho phép, trong 1-2 ngày phải báo cho cấp quản lý).
3. Xử lý khi có dịch bệnh xảy ra
-
- Công nhân chăn nuôi – BSTY phải kết hợp kiểm tra kỹ để tìm nguyên nhân.
- Báo cáo gấp tình hình thực tế với TPT để có biện pháp xử lý kịp thời.
a. Xử lý heo bệnh
Cách ly
- Chuyển gấp đàn heo bị bệnh xuống chuồng cách ly. Rửa chuồng, rãi vôi, phun xịt sát trùng, tẩy uế chuồng trại 2-3 lần/ngày cả trong lẫn ngoài chuồng để bao vây ổ dịch.
- Vệ sinh sạch sẽ, phun xịt sát trùng tất cả các đường đi trong trại và không khí 2-3 lần/ngày.
- Người có chuồng heo dịch bệnh tuyệt đối không được đi lại trong trại và các khu chuồng khác.
- Những người không liên quan tuyệt đối không được đến gần chuồng heo bị dịch bệnh.
- Cử người có kĩ thuật, cẩn thận chăm sóc ở chuồng cách ly và không được đi lại trong trại.
b. Tiêu hủy
- Đối với bệnh do vi trùng gây ra có thể tiếp tục nuôi và chăm sóc ở khu vực chuồng cách ly, tiến hành thiêu hủy những đối tượng heo có tiên lượng xấu.
- Đối với bệnh do siêu vi trùng gây ra cần phải tiến hành thiêu hủy gấp với sự chỉ đạo của BSTY.
Theo dõi số lượng heo thiêu hủy
- BSTY theo dõi số lượng heo chết – loại đưa về lò thiêu đốt hàng ngày.
- BSTY, công nhân chăn nuôi và người phụ trách thiêu đốt phải ký số lượng heo đốt mỗi ngày (nếu có).
4. Bộ 16 Nguyên tắc phòng bệnh của MADEC
Chuồng nái đẻ
- Cùng vào cùng ra/cho chuồng nghỉ và vệ sinh nghiêm ngặt
- Tắm và trị kí sinh trùng trước khi đẻ
- Ghép con: Hạn chế, thật cần thiết và chỉ ghép trong 24 giờ sau đẻ
Chuồng cai sữa
- Nên nuôi chuồng quy mô nhỏ (<13 con) có vách ngăn chắc
- Cùng vào cùng ra cho chuồng nghỉ và vệ sinh nghiêm ngặt
- Nuôi thưa (3 con/ 1m2)
- Tăng chỗ và máng ăn
- Kiểm soát khí độc hại (NH3 <10ppm, CO2<0,15%)
- Kiểm soát nhiệt độ chuồng
- Cấm trộn đàn
Chuồng heo thịt
- Nuôi chuồng quy mô nhỏ hơn và vách ngăn chắc
- Cùng vào cùng ra, cho trống chuồng (nghỉ) và vệ sinh nghiêm ngặt
- Nuôi thưa (>1.2 m2/con)
- Kiểm soát khí độc (NH3 <10ppm, CO2<0,15%) và nhiệt độ chuồng
- Cấm trộn đàn khác nhau từ chuồng cai sữa
- Cấm trộn đàn khác nhau từ chuồng nuôi thịt
Vet24h team tổng hợp