Hiện nay, việc sử dụng thuốc kháng sinh và một số hoá dược trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích dự phòng và bảo vệ sức khoẻ đàn đang bị hạn chế bởi các quy định và luật, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh này, việc tăng cường hệ thống miễn dịch của heo (vaccine là một trong các giải pháp phổ biến được áp dụng) và trên hết, xem xét tầm quan trọng của miễn dịch đàn đã trở nên cần thiết đối với toàn bộ ngành chăn nuôi heo trên toàn thế giới.
Nhưng tại sao khả năng miễn dịch đàn lại quan trọng? Nó có mối quan hệ gì với năng suất? Và ở cấp độ kinh tế, nó ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi heo như thế nào? Trong bài viết này, chúng ta sẽ phân tích tầm quan trọng của miễn dịch đàn ở cấp độ sản xuất và tác động của nó đối với các khía cạnh kinh tế.
MIỄN DỊCH ĐÀN LÀ GÌ?
Miễn dịch đàn là một khái niệm đề cập đến hiệu quả của các chương trình tiêm phòng được áp dụng cho toàn bộ quần thể của một đàn heo. Hành động này đóng vai trò là công cụ để kiểm soát số lượng quần thể đối với một số bệnh vì mục tiêu của nó không chỉ là bảo vệ động vật.
Đó là một thuật ngữ tương đối, cũng được định nghĩa là khả năng của một cá thể chống lại hoặc hạn chế mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng hoặc mắc bệnh. Nó mô tả tình trạng miễn dịch tập thể của quần thể vật chủ liên quan đến một vi sinh vật cụ thể.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA MIỄN DỊCH ĐÀN TRONG TRANG TRẠI HEO
Hiện nay, thịt heo đã trở thành loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất trên toàn thế giới đặc biệt ở các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Philippines…,việc nâng cao năng suất chăn nuôi có ý nghĩa quan trong trong việc đảm bảo nguồn cung thịt heo. Do đó, cần phải có các phương pháp mới để cải thiện khả năng miễn dịch của đàn tại các trang trại heo.
Với mục tiêu nâng cao năng suất mà chăn nuôi heo hiện đại yêu cầu, cùng với sự xuất hiện của các bệnh mới và sự phát triển của các trang trại với quy mô ngày càng lớn đã thúc đẩy sự phát triển của các chiến lược kiểm soát dịch bệnh dựa trên tổng đàn (quẩn thể) chứ không phải cá thể.
Do đó, miễn dịch đàn đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong chăn nuôi heo liên quan đến quá trình vận chuyển và chăm sóc, sử dụng thuốc hoặc chiến lược tiêm phòng vaccine, tìm kiếm các sản phẩm thay thếkháng sinh và các chương trình an toàn sinh học.
Miễn dịch đàn hoạt động như thế nào?
Miễn dịch đàn là khả năng chống lại sự xâm nhập và lây lan của một tác nhân truyền nhiễm của một nhóm cá thể (đàn, quần thể) và có thể được biểu thị bằng tỷ lệ cá thể có khả năng chống chịu hay đề kháng được bệnh trong quần thể.
Tỷ lệ các cá thể đề kháng được bệnh trong quần thể sẽ phụ thuộc vào tình trạng phơi nhiễm trước khi tác nhân cụ thể xâm nhập (từ vắc-xin hoặc lây nhiễm tự nhiên) và sự biến động các thể trong quần thể (đẻ, chết, loại bỏ hoặc du nhập).
Tiêm phòng cho nhiều cá thể hơn sẽ làm giảm tỷ lệ heo dễ mắc bệnh trong trang trại và do đó, giảm số lượng cá thể có thể bị nhiễm và hạn chế lây lan.
Loại trừ hay kiểm soát dịch bệnh?
Loại trừ bệnh tật vẫn là một mục tiêu quan trọng, mặc dù nó hiếm khi đạt được. May mắn thay, thông qua việc cố gắng loại trừ bệnh tật, sự lây truyền mầm bệnh và tần suất (thường là mức độ nghiêm trọng của nó) sẽ giảm đi. Và trong quá trình cải thiện khả năng miễn dịch đàn ở các trang trại heo, vắc-xin có rất nhiều điều cần đề cập tới.
Chúng ta cần nhấn mạnh rằng một chương trình tiêm phòng tốt phải bắt đầu bằng việc xác định chi tiết hai khía cạnh sau:
(1) Xác định các rủi ro dịch bệnh cụ thể trong một trang trại heo. Trước khi đề xuất một chương trình tiêm phòng vaccine, việc xem xét cẩn thận các tác nhân gây bệnh lưu hành trong trại và nguy cơ xâm nhập các tác nhân từ bên ngoài là điều rất cần thiết.
(2) Xem xét ảnh hưởng của khả năng miễn dịch của heo mẹ đối với heo con thông qua kháng thể mẹ truyềnvà tuổi của heo tại thời điểm tiêm vắc-xin
Miễn dịch đàn và tác động của nó đối với các khía cạnh kinh tế của lĩnh vực sản xuất thịt heo
Tác giả Calderón Díaz et al. (2020) đã thực hiện một nghiên cứu để xem xét tác động kinh tế của tình trạng tiêm phòng ở các trang trại có vi rút gây hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở heo (PRRSv), Mesomycoplasma hyopneumoniae (MHYO) và các trang trại dương tính với vi rút cúm heo (SIV).
Kết quả của họ cho thấy những đàn có tình trạng dương tính với mầm bệnh đường hô hấp:
- Bị thiệt hại về tài chính so với đàn âm tính.
- Có sự gia tăng chi phí thức ăn ở các giai đoạn sản xuất khác nhau.
- Có lợi nhuận trung bình hàng năm thấp hơn.
- Đối với một mức lợi nhuận nhất định, rủi ro tổn thất tài chính tăng lên.
Hơn nữa, nếu khả năng miễn dịch của đàn bị ảnh hưởng bởi tình trạng dương tính đối với MHYO có liên quan đáng kể nhất đến tổn thất về lợi nhuận trung bình hàng năm so với PRRSv, chủ yếu là sản lượng bán ra thấp hơn. Nó dẫn đến giảm lợi nhuận €5 cho một đầu heo.
KHẢ NĂNG MIỄN DỊCH CỦA ĐÀN VÀ SỨC KHỎE CỦA HEO CON TRONG THỜI KỲ CHO CON BÚ
Sữa non cung cấp cho heo con sơ sinh nguồn năng lượng và khả năng miễn dịch thụ động và rất cần thiết cho sự sống còn của chúng. Do sự hình thành biểu mô màng đệm của heo nái, heo con được sinh ra hầu như không có kháng thể trong huyết thanh và hấp thụ sữa non có hàm lượng IgG, IgG2 và IgA cao gấp ba đến bốn lần so với huyết thanh.
Trong 24 – 48 giờ đầu đời, ruột non của heo có thể hấp thụ các đại phân tử, bao gồm cả globulin miễn dịch, bằng quá trình pinocytosis, cung cấp cho heo con các kháng thể thụ động từ sữa non. Mặc dù quá trình này bắt đầu trước khi sinh, chức năng hấp thụ chính xảy ra sau khi sinh. Quá trình trưởng thành cụ thể này được định thời gian để tối đa hóa sự hấp thu globulin miễn dịch ngay sau khi sinh. Heo con đẻ non thì khả năng hấp thụ kháng thể kém hơn so với heo con sinh đủ ngày đủ tháng; do đó, sự trưởng thành của thai nhi là một yếu tố thiết yếu để hấp thu thành công globulin miễn dịch từ sữa non.
Đạt một mức độ miễn dịch đàn tốt là yếu tố cần thiết để giảm tỷ lệ tử vong của heo con. Bên cạnh đó cần chú ý các biện pháp phòng heo con chết do đè, quản lý sữa non, an toàn sinh học, lứa đẻ hoặc bổ sung sắt.
Với mức độ miễn dịch đàn tốt sẽ có khả năng giảm tỷ lệ tử vong của heo con trong thời kỳ tiết sữa
Sức khỏe của heo con ảnh hưởng đến lợi nhuận chăn nuôi như thế nào?
Tỷ lệ tử vong sơ sinh vẫn là một trong những vấn đề quan trọng đối với chăn nuôi heo trên toàn thế giới và tính không đồng nhất lớn hơn do lựa chọn dựa trên khả năng sinh sản dẫn đến số lượng heo con yếu cao hơn trong giai đoạn tiết sữa.
Devillers và cộng sự. (2011) đã xuất bản một bài báo trong đó kết quả cho thấy heo con chết trước khi cai sữa có liên quan đến các yếu tố:
- Cân nặng sơ sinh và khả năng tăng cân trong 24h đầu.
- Lượng sữa non tiếp nhận
- Nhiệt độ trực tràng
- Nồng độ IgG và glucose trong huyết tương trong 24h đầu.
Stygar et al. (2022) kết luận rằng thiệt hại do heo con chết trước hoặc trong khi đẻ, cũng như trước khi cai sữa, có thể dẫn đến mất doanh thu và tăng thêm chi phí sản xuất từ €12 đến €23 mỗi lứa.
Heo con được bú sữa đầu sớm có sức đề kháng cao và tăng trọng tốt ở giai đoạn về sau
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG MIỄN DỊCH CỦA ĐÀN HEO
Ví dụ, để có những tác động tích cực đến khả năng miễn dịch của đàn trong trang trại, người chăn nuôi cần hiểu đúng, làm đúng các quy trình an toàn sinh học, quản lý động vật hoặc tiêm phòng.
An toàn sinh học
Các phương pháp chăn nuôi và chuồng nuôi thiếu kế hiện đại có xu hướng tách biệt các nhóm tuổi, cho phép làm sạch môi trường giữa các lứa nuôi và giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh tật thông qua các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt, là những phương pháp quan trọng nhất để giảm tổng lượng thuốc kháng sinh và các sản phẩm điều trị khác trong trang trại cũng như cải thiện hiệu quả của những phương pháp phòng trị được sử dụng.
20 nguyên tắc MADEC là cơ sở mà tất cả các trang trại cần được tính đến khi thực hiện an toàn sinh học bên trong và bên ngoài trang trại của mình:
Đối với khu chuồng đẻ:
- Thực thi nghiêm ngặt phương thức All In – All out (cùng vào/cùng ra). Làm trống chuồng, làm sạch và vệ sinh sát trùng giữa các lứa nuôi.
- Tẩy ký sinh trùng và tắm sạch cho heo nái trước khi đẻ.
- Chỉ thực hiện việc ghép heo (nuôi hộ) khi cần thiết và thực hiện trong 24 giờ đầu sau khi đẻ, nhưng không được thực hiện trước 12 giờ sau khi sinh.
Đối với heo sau cai sữa:
- Sử dụng chuồng nhỏ (<13) có vách ngăn chắc chắn.
- Thực hiện nghiêm túc cơ chế cùng vào – cùng ra. Làm trống chuồng, làm sạch và vệ sinh sát trùng giữa các đợt nuôi.
- Nuôi úm heo con với mật độ thấp (3 con/m2 ).
- Tăng khoảng cách trên mỗi máng ăn thêm 7 cm/con.
- Cải thiện chất lượng không khí, đảm bảo thông thoáng (NH3 10 ppm, CO2 0,15%).
- Cải thiện khả năng kiểm soát nhiệt độ (bóng úm, sàn úm, nồng úm…)
- Không trộn các nhóm heo với nhau.
Giai đoạn tăng trưởng/vỗ béo:
- Sử dụng những chuồng nhỏ có vách ngăn chắc chắn.
- Thực hiện nghiêm ngặt phương thức All In – All out (cùng vào/cùng ra). Làm trống chuồng, làm sạch và vệ sinh sát trùng giữa các lứa nuôi.
- Không để lẫn heo các lứa tuổi khác nhau trong chuồng cai sữa.
- Không vỗ béo lẫn lộn các loại động vật khác.
- Chuồng nuôi ở mật độ cao > 0,75 m2 /con.
- Cải thiện chất lượng không khí và nhiệt độ.
Yếu tố khác:
- Áp dung chương trình tiêm phòng phù hợp với dịch tễ của trại và tình trạng sức khỏe của đàn.
- Đảm bảo lưu thông không khí phù hơp với từng lứa tuổi.
- Thực hiện vệ sinh thú y nghiêm ngặt trong quá trình làm ngoại khoa như: cắt đuôi, mài nanh, gắn thẻ tai,tiêm, v.v.
- Chuyển đến ô chuồng bệnh viện hoặc tiêu hủy ngay động vật bị bệnh không còn khả năng phục hồi.
Tối đa hóa mức độ an toàn sinh học trong các trang trại heo ảnh hưởng tích cực đến khả năng miễn dịch của bầy đàn.
Quản lý heo con
Giảm thiểu sự phơi nhiễm của heo con với mầm bệnh bằng cách nuôi theo phương thức AI – AO (cùng vào – cùng ra) hoặc một chương trình an toàn sinh học nghiêm ngặt có thể giúp tăng cường khả năng bảo vệ và tạo ra một khoảng thời gian an toàn mở rộng trước khi tiêm phòng.
Tuy nhiên, những hệ thống chăn nuôi vcó tần suất heo ra vào liên tục, thời gian trống chuồng ít và hạ tầng an toàn sinh học thấp hơn cần thực hiện một chương trình tiêm phòng đầy đủ và chặt chẽ hơn nhằm gia tăng khả năng miễn dịch đàn cho heo.
Quản lý heo hậu bị và ảnh hưởng của nó đến khả năng miễn dịch của đàn
Cần phải đảm bảo hậu bị thay thế thích nghi tốt với môi trường trong trang trại. Việc cho hậu bị mới tiếp xúc với các tác nhân truyền nhiễm có trong trang trại để ngăn chúng phơi nhiễm trước khi bước vào thời kỳ mang thai là một trong những biện pháp quản lý phù hợp nhất có thể thực hiện trong trang trại.
Sự phơi nhiễm này lý tưởng nhất là thông qua tiêm phòng (ví dụ như tiêm phòng các loại vacine PRRS, AD, PCV2, CSF…); tuy nhiên, một số bệnh không có vaccine để tiêm phòng nên buộc chúng ta phải sử dụng các biện pháp thay thế chủ động để phơi nhiễm thông qua tiếp xúc với huyết thanh, mô, nái già trong trại hoặc phân. Tất cả các quy trình này cần được quản lý dựa trên sự tư vấn và đề xuất của bác sĩ thú y và tuân thủ các quy định của địa phương và quốc gia.
Quy trình này bao gồm giai đoạn phơi nhiễm và giai đoạn phục hồi để đảm bảo rằng hậu bị nhập đàn đã được chủng ngừa nhưng cũng đã ngừng bài thải mầm bệnh ra môi trường. Đây là một cách để tiếp tục nhập đàn thay thế mà không ảnh hưởng đến miễn dịch đàn của quần thể (không làm gia tăng số heo dễ mắc bệnh trong quần thể) đồng thời làm giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh từ bên ngoài vào trong trại.
Quản lý khu chuồng đẻ
Chuồng đẻ nơi khởi đầu và quan trọng nhất đối với tương lai của heo con và hình thành khả năng miễn dịch của đàn.
Do đó, quản lý tốt chuồng đẻ là rất cần thiết. Nó bao gồm:
- Đỡ đẻ, xử lý rốn
- Tách ghép heo
- Cắt đuôi.
- Mài nanh.
- Thiến
- Bổ sung sắt.
- Điều trị dự phòng bệnh cầu trùng.
Mỗi ổ đẻ được quản lý tốt sẽ giúp cải thiện khả năng miễn dịch của đàn.
Tiêm phòng nâng cao sức đề kháng cho đàn heo
Vắc xin là một công cụ thiết yếu để quản lý sức khỏe đàn heo vì chúng giúp tăng sức đề kháng của vật nuôi đối với các bệnh truyền nhiễm và cải thiện khả năng miễn dịch của đàn heo.
Chúng được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi như là biện pháp phòng ngừa chính và là yếu tố quan trọng của các chương trình quản lý sức khoẻ toàn diện được thiết kế để loại bỏ mầm bệnh. Hiệu quả của việc tiêm vắc-xin sẽ khác nhau giữa các bệnh, các đàn, các độ tuổi và tình trạng sức khoẻ đàn khi tiêm.
Một số lưu ý quan trọng mà bác sĩ thú y cần đánh giá để đưa vắc-xin vào chương trình tiêm phòng cho một đàn cụ thể:
- Chi phí – lợi ích mang lại, bao gồm cả công lao động để tiêm vắc-xin.
- Sự cải thiện về mặt sức khoẻ đàn hoặc năng suất mà chủ trang trại mong đợi từ chương trình tiêm phòngđòi hỏi cần có hiểu biết về hiệu quả của vắc xin và chi phí xử lý dịch bệnh hiện có hoặc khi nó xảy ra trong đàn.
- Đôi khi chúng ta phải đối mặt với sự thất bại trong việc tiêm vắc-xin ngoài dự kiến khi sử dụng một sản phẩm đã có hiệu quả tốt trong những trường hợp tương tự. Các nguyên nhân có thể gây ra lỗi bao gồm:
- Bảo quản và xử lý vắc xin không đúng cách, chẳng hạn như không để trong tủ lạnh hoặc tránh ánh sáng, nhiệt độ bảo quản không đảm bảo, giã đông vaccine sai phương pháp
- Tiêm sai kỹ thuật: sai vị trí tiêm, sai đường tiêm, áp xe, tiêm trượt, tiêm chảy máu…..
- Tối ưu hóa thời gian của một chương trình tiêm chủng thường là một vấn đề được các trang trại rất quan tâm. Để tối ưu hoá việc tuân thủ chương trình tiêm phòng và giảm công lao động, ngành chăn nuôi heo ưu tiên sử dụng vắc-xin kết hợp trong một mũi tiêm vào thời điểm động vật được xử lý thông thường (chẳng hạn như lúc cai sữa). Tuy nhiên, tại thời điểm tiêm phòng, heo vẫn có thể có mức miễn dịch thụ động cao cản trở việc kích thích miễn dịch do tiêm chủng. Cần đánh giá các trường hợp như vậy (chương trình vaccine trên nái, nồng độ kháng thể mẹ truyền tại thời điểm tiêm phòng) và đề xuất thời điểm tiêm phòng thích hợp.
Các biện pháp tiêm phòng đồng loạt trên đàn nái hạt nhân bao gồm các chương trình như tiêm phòng đồng thời hoặc tiêm phòng tổng đàn được áp dụng trên các trại heo nái mang lại hiệu quả cao như phòng bệnh PRRS, Bệnh giả dại Aujeszky và Bệnh Lở mồm long móng….
LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG MIỄN DỊCH CỦA ĐÀN TRONG KHU CHUỒNG ĐẺ?
Việc đánh giá tình trạng sức khoẻ đàn heo và khả năng miễn dịch phải được thực hiện bằng cách sử dụng các kỹ thuật phòng thí nghiệm để phân tích đáp ứng miễn dịch ở heo. Các kỹ thuật được sử dụng nhiều nhất là ELISA và phản ứng ngăn trở ngưng kết hồng cầu (HI). Trong cả hai trường hợp, đều cần lấy mẫu máu của heo nái trong chuồng đẻ.
ELISA
ELISA là một xét nghiệm được sử dụng rộng rãi để phát hiện định lượng các kháng thể chống lại mầm bệnh cótrong huyết thanh. Nó có độ đặc hiệu và độ nhạy cao.
ELISA gián tiếp phát hiện toàn bộ kháng thể kháng vi-rút hoặc kháng vi khuẩn/mycoplasma. Trong trường hợp đó, kháng nguyên mầm bệnh được gắn vào pha rắn và mẫu được ủ cho đến khi tạo thành phức hợp kháng nguyên-kháng thể.
Xét nghiệm HI đánh giá miễn dịch đàn heo
Phản ứng HI được thực hiện dựa vào đặc tính của một số virus là có khả năng gây ngưng kết tế bào hồng cầu. Trong phản ứng này, các kháng thể có trong mẫu bệnh phẩm của gia cầm sẽ kết hợp với virus chuẩn, làm cho virus không thể kết nối các hồng cầu với nhau tạo thành mạng lưới liên kết. Kết quả là các hồng cầu này sẽ lắng tụ lại thành một điểm.
Phản ứng HI được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong đánh giá miễn dịch chống lại các virus gây ngưng kết hồng cầu. Nó được sử dụng làm phương pháp tiêu chuẩn để phát hiện kháng thể kháng virus cúm heo (SIV).
Tổng kết
Nói tóm lại, nâng cấp và cải thiện an toàn sinh học, áp dụng các chương trình tiêm phòng vaccine tốt và quy trình nuôi thích nghi hậu bị thay thế phù hợp là những khía cạnh quan trọng cần quan tâm nếu chúng ta muốn duy trì mức độ miễn dịch đàn cao trong trang trại heo của mình, đồng thời giúp chúng ta cải thiện năng suấtchăn nuôi và gia tăng lợi ích kinh tế.
Biên dịch và biên tập: Nguyễn Văn Minh – Animal Health Consultant, Vet24h
Bài viết tham khảo: https://swinehealth.ceva.com: “How herd immunity improves pig farm productivity”