spot_img

Làm sạch và khử trùng trong trại heo

Mục tiêu cắt đứt chu kỳ tái nhiễm tại trang trại là rất quan trọng khi phải đối mặt với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do PRRSv, CSFv, ASFv, PEDv, Salmonella…. Một cách hiệu quả để làm điều này là áp dụng quy trình làm sạch và khử trùng (C&D) ở mức cao nhất.

Điều này có thể đạt được tuy nhiên các tiêu chuẩn trong quy trình làm sạch và khử trùng thường bị bỏ qua và hoặc làm không triệt để. Các trang trại có thể làm theo các hướng dẫn dưới đây để đảm bảo nỗ lực C&D của bạn có thể ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm.

Những con đường lây nhiễm mầm bệnh vào trang trại

Làm sạch và khử trùng: Những điều cơ bản

Kế hoạch làm sạch và khử trùng phải là một phần chính trong kế hoạch quản lý sức khoẻ đàn của trang trại và phải được thực hiện một cách nghiêm túc, tận tâm.

Từ lâu, các nhà sản xuất đã biết rằng các chuồng heo khi nuôi có thể là nơi chứa mầm bệnh, có nguy cơ phát bệnh bất cứ lúc nào và nếu tiếp tục sử dụng mà không làm sạch và khử trùng có thể dẫn đến tình trạng suy giảm sức khỏe và hiệu suất chăn nuôi.

Khi đàn heo gặp phải môi trường có mức độ nhiễm trùng cao, chúng sẽ phản ứng bằng các phản ứng miễn dịch. Phản ứng này dẫn đến làm tăng FCR, giảm tốc độ tăng trưởng và tăng số ngày nuôi.

Năm bước cơ bản để làm sạch và khử trùng là:

  • Loại bỏ chất hữu cơ
  • Sử dụng chất tẩy rửa
  • Dọn sạch
  • Làm khô
  • khử trùng

Quy trình làm sạch và khử trùng căn bản

Hiệu quả của chất khử trùng phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm:

  • Làm sạch/loại bỏ chất hữu cơ – Chất hữu cơ có thể làm vô hiệu hóa chất khử trùng.
  • Nhiệt độ môi trường – Ở nhiệt độ lạnh, cần sử dụng các kỹ thuật làm sạch – khử trùng, ví dụ như PRRS virus ở 4°C có thể tồn tại và duy trì khả năng lây nhiễm trong hơn một tuần.
  • Thời gian tiếp xúc – Phải đảm bảo thời gian tiếp xúc tối thiểu để chất khử trùng phát huy tác dụng. Trong một số trường hợp, thời gian tiếp xúc lâu hơn có thể nâng cao hiệu quả của chất khử trùng.
  • Mầm bệnh – Cần sử dụng chất khử trùng dành riêng cho mầm bệnh với liều lượng cụ thể nếu có thể; một số mầm bệnh nhạy cảm với một số chất khử trùng hơn những mầm bệnh khác.

Thông tin dưới đây cần được sử dụng để lập kế hoạch làm sạch và khử trùng cho trang trại của bạn, kế hoạch này sẽ đưa vào kế hoạch sức khỏe thú y của trang trại.

Loại bỏ yếu tố lây nhiễm

  • Loại bỏ chất thải hữu cơ, e.g. xác động vật, nhau thai, chất độn chuồng, phân chuồng, cặn thức ăn và bụi.
  • Không giữ lại bất kỳ chất đệm lót nào (trông có vẻ sạch) để tái sử dụng – đó là ổ chứa mầm bệnh
  • Tháo dỡ các tấm đan, sàn nhựa làm sạch và khử trùng triệt để, loại bỏ các tấm đã hỏng, rỉ sét → đó là ổ chức mầm bệnh 
  • Tháo dời các vật dụng thể di chuyển được, ví dụ: máng ăn, máng uống, dụng cụ thú y, dụng cụ vệ sinh, để làm sạch và khử trùng riêng biệt. Lưu ý: cách ly các nguồn điện
  • Làm sạch và khử trùng hệ thống nước (bao gồm cả bể chứa nguồn, đường ống dẫn, núm uống và các bộ lọc) bằng sản phẩm chuyên dùng được khuyến cáo. Núm uống có thể bị tắc trong quá trình vệ sinh, cần kiểm tra trước khi đưa heo mới vào nuôi.

Vệ sinh làm sạch và loại bỏ yếu tố lây nhiễm

Sử dụng chất tẩy rửa

  • Không được bỏ qua giai đoạn này ra. Một loạt các mầm bệnh phổ biến cho thấy phản ứng kém với chất khử trùng khi còn bám lượng hữu cơ cao, vì chất hữu cơ làm mất tác dụng của chất khử trùng.
  • Rửa kỹ bằng nước nóng với vòi áp suất là không đủ để phá vỡ màng sinh học, lớp chất nhờn này có thể bảo vệ vi khuẩn khỏi chất khử trùng. Chỉ có một chất tẩy rửa có thể làm điều này.
  • Bột giặt cải thiện hiệu quả rửa/làm sạch và giảm thời gian cần thiết để rửa và làm sạch
  • Ngâm hoặc phủ tất cả các bề mặt (trần, tường, sàn nhà và bất kỳ thiết bị cố định nào) bằng nước lạnh và sử dụng chất tẩy rửa dành riêng phun dưới áp suất thấp; cách khác, sử dụng chất tẩy rửa dạng bọt hoặc gel để phun bao phủ
  • Ngâm hoặc phủ tối thiểu 30 phút (tốt nhất là lâu hơn, ví dụ: qua đêm).

Làm sạch như thế nào

  • Làm sạch từ trên xuống dưới (trần đến tường rồi đến sàn nhà). Điều này tránh làm bụi, nước bẩn bắn tung tóe vào các khu vực đã được làm sạch trước đó.
  • Hãy chú ý đến những góc khuất, khe, kẽ heo và khó tiếp cận, ví dụ: quạt và ống thông gió, đường ống nước, góc chuồng, khe quanh máng ă, phụ kiện đèn.
  • Rửa áp lực bằng nước nóng (70ºC trở lên), nước sạch. Nếu máy rửa áp lực của bạn không có chức năng làm nước nóng, hãy cân nhắc mua một cái có chức năng đó đó.
  • Đảm bảo tất cả các bề mặt và thiết bị đều sạch sẽ.
  • Đảm bảo nước bẩn thoát ra ngoài dễ dàng mà không làm nhiễm bẩn các khu vực khác.
  • Sửa chữa hoặc thay thế dụng cụ, bề mặt và sàn nhà bị ăn mòn, vì những thứ này có thể là nơi chứa mầm bệnh.
  • Bất kỳ thiết bị nào không thể rửa bằng áp lực, chẳng hạn như đèn chiếu sáng, trần bạt, phải được làm sạch thủ công bằng tay.
  • Để tất cả các dụng cụ, nền chuồng, tường, trần… khô ráo trước khi sử dụng chất khử trùng.

Sử dụng chất khử trùng

  • Chọn chất khử trùng phù hợp với loại mầm bệnh có trong trang trại của bạn; nên thảo luận điều này với bác sĩ thú y của trang trại. Sử dụng danh sách chất khử trùng có hiệu quả  được phê duyệt bởi các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền
  • Đảm bảo rằng bạn và nhân viên của bạn hiểu các thông tin đàm bảo an toàn và thực hiện các bước thích hợp để sử dụng và đảm bảo an toàn.
  • Đảm bảo người thực hiện công việc khử trùng được trang bị đầy đủ các trang phục, công vụ bảo hộ cần thiết.
  • Pha lượng dung dịch khử trùng mới hàng ngày và kiểm tra xem nhân viên có biết cách pha đúng nồng độ hay không. Cần lưu ý rằng tỷ lệ pha loãng có thể thay đổi theo nhiệt độ môi trường xung quanh.
  • Đảm bảo rằng chất khử trùng tương thích với chất tẩy rửa cũng như các mầm bệnh mà bạn đang nhắm đến,
  • Kiểm tra xem chất khử trùng có phù hợp để sử dụng không, ví dụ như một loại sử dụng cho việc khử trùng chuồng/tòa nhà có thể không phù hợp với hệ thống nước hoặc sử dụng được trên bề mặt bê tông nhưng không phù hợp khi sử dụng trên các bề mặt kim loại
  • Chất khử trùng phải được phun đồng đều, dưới áp suất thấp (ví dụ: bằng bình xịt đeo vai), cho đến khi tất cả các bề mặt được phủ kín.
  • Di chuyển một cách có phương pháp trong chuồng/tòa nhà, chú ý đến các góc chết, vị trí khuất tầm nhìn và các khu vực khó tiếp cận.

Tránh tái nhiễm

  • Lập kế hoạch làm sạch và khử trùng để không cần phải vào lại chuồng đã được làm sạch trước khi bổ sung thêm. Cần có thời gian và dành công sức để làm sạch và khử trùng đúng cách – hãy đảm bảo rằng bạn không phải làm lại các công việc mình đã thực hiện!
  • Đặt sẵn bàn chải và chậu nước nhúng ủng mới được bổ sung bên ngoài chuồng/tòa nhà sạch. Đảm bảo nước nhúng ủng được bổ sung chất khử trùng phù hợp và thay ngay khi chúng trông có vẻ bẩn và nếu cần thiết phải thay hàng ngày, hàng tuần
  • Thường xuyên vệ sinh/thay chổi, bàn chải/khăn lau vì chúng có thể bị nhiễm bẩn sau khi sử dụng.
  • Rửa và khử trùng tất cả các dụng cụ, thiết bị (ví dụ: bàn chải, thùng cân, xe vận di chuyển, dụng cụ cạo, xẻng, cuốc) giữa các chuồng, điều này thường bị bỏ qua nhưng rất quan trọng để ngăn ngừa tái nhiễm.
  • Giặt quần áo bảo hộ lao động và làm sạch ủng thường xuyên; không bao giờ được vào các chuồng nuôi, các khu vực đã được làm sạch và khử trùng mặc đồ bảo hộ bẩn.

Danh mục hóa chất khử trùng

  • Tất cả các hóa chất khử trùng có được lưu trữ, bảo quản và xử lý theo chỉ dẫn không?
  • Đảm bảo tất cả các hóa chất khử trùng vẫn còn hạn sử dụng. Điều này rất quan trọng vì sau ngày hết hạn, sản phẩm có thể không còn tác dụng.
  • Người pha hóa chất khử trùng phải được đào tạo/có năng lực để thực hiện
  • Người pha hóa chất khử trùng phải sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân phù hợp (ví dụ: kính bảo hộ)
  • Các chất khử trùng phải được phê duyệt lưu hành bởi cơ quan có thẩm quyền
  • Các chất khử trùng có được sử dụng ở nồng độ tiêu chuẩn hay không? Liều lượng không chính xác là không hiệu quả.
  • Chất khử trùng được pha trong bể chứ không phải bằng cách sử dụng thiết bị định lượng?

Bạn đã chọn đúng sản phẩm khử trùng chưa? Xem bảng dưới đây.

Thành phần sát trùng Sử dụng tốt nhất cho
Chlorocresol-based Nhúng ủng
Glutaraldehyde-based Sát trùng bề mặt đã được làm sạch
Hydrogen peroxide/

peracetic acid-based

Vệ sinh đường nước

Danh mục kiểm tra chuồng nuôi.

  • Tất cả các thiết bị đã được tháo dỡ trước khi làm sạch hay không? Bao gồm máng ăn, máng uống, sàn úm và vách ngăn.
  • Tất cả các mảnh vụn, chất hữu có thể nhìn thấy đã được loại bỏ hay chưa? Chất hữu cơ bề mặt làm giảm hiệu quả của chất khử trùng, có nghĩa là chất khử trùng có ít tác dụng chống lại vi khuẩn khi hoạt động trên bề mặt hữu cơ.
  • Nếu bạn đang sử dụng quy trình tẩy rửa – làm sạch và khử trùng, hãy đảm bảo sử dụng các sản phẩm có độ pH tương tự. Độ pH thường có thể được tìm thấy trên nhãn sản phẩm.
  • Bạn đã cân nhắc việc khử trùng nước liên tục chưa (ngay cả khi sử dụng nước máy)? Đường ống dẫn nước và máng uống trên chuồng heo có thể bị nhiễm nhiều loại vi khuẩn khác nhau và có thể gây nhiễm các bệnh đường ruột.
  • Bạn có nhớ làm sạch và khử trùng lối đi, đường lùa heo hoặc các thiết bị, dụng cụ khác, như xe đẩy, xe vận chuyển cám, phân hoặc cân sau khi sử dụng hoặc tiếp xúc với heo hay không?

Danh mục kiểm tra phương tiện vận chuyển

  • Bạn đã đảm bảo rằng tất cả các phương tiện đều được làm sạch và để khô trước khi phun khử trùng chưa?
  • Bạn đã đảm bảo rằng tất cả các phương tiện đều được phun khử trùng tác dụng nhanh chưa?
  • Bạn có đặc biệt chú ý đến bánh xe, gầm xe, cabin và đường ống của xe bồn chở thức ăn chăn nuôi không?

Phương tiện được vệ sinh sạch sẽ và sát trùng trước khi vào trong trang trại

Thực hiện nghiêm túc và đẩy đủ các bước khi làm sạch và khử trùng sẽ giúp trang trại cắt đứt đường lây nhiễm giữa các chuồng nuôi, giữa các lứa nuôi đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh cho trang trại.

Nguyễn Văn Minh – Vet24h Team

Bài liên quan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisement -spot_img
- Advertisement -spot_img

Bài mới