“Khi có 1 trường hợp bệnh đột ngột xuất hiện ở trại: trong vòng 01 tuần là thời gian vàng để cô lập, cách ly và dập dịch, do đó thời gian là chìa khóa quyết định”.
Mặc dù thực thi các bước thực hành chăn nuôi tốt và an toàn sinh học nhưng nguy cơ mầm bệnh bên ngoài xâm nhập vào đàn heo là hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản của các tình huống để xử lý khẩn cấp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan gây thiệt hại nặng. Thời gian là chìa khóa quyết định. Một trong những khó khăn nhất là Làm sao phát hiện bệnh sớm để cách ly và xử lý ? Nếu trong chuồng heo xuất hiện heo sốt, bỏ ăn, chết đột ngột nhất là trên heo nái, cái tơ, heo trưởng thành khác thì cần phải đặt nghi vấn ASF ngay, lúc này cần kích hoạt hành động chuẩn bị phản ứng khẩn cấp. Sau một thời gian ngắn heo bệnh xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng như tím tái, tụ-xuất huyết ngoài da – lỗ mũi – miệng – phân có máu thì cần phải thực hiện ngay cách ly – cô lập – xét nghiệm – xử lý triệt để heo bệnh, heo chết bệnh và heo tiếp xúc mầm bệnh nhằm cô lập và loại trừ mầm bệnh. Nếu việc khai báo dịch là cần thiết theo luật định thì cần thực hiện theo hướng dẫn của người có chuyên môn thú y và của cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo kiểm soát dịch bệnh không chỉ cho trại mà còn cả vùng chăn nuôi.
ASF lây lan chậm, lúc đầu chỉ xảy ra ở 1 vài con, sau 3 ngày 7 ngày sẽ tăng lên dần và nếu không được xử lý đúng cách thì lây lan cả đàn heo là có thể xảy ra. Luôn nhớ, không hiếu kỳ mổ khám hay vứt xác heo ra bên ngoài môi trường vì làm phát tán mầm bệnh. Virus ASF tồn tại hàng tháng ở xác heo chết bệnh, nên sẽ lây nhiễm khắp nơi và người chăn nuôi khó khăn nếu muốn tái đàn sau này. Tất cả máng ăn, vật dụng, nền chuồng, ống nước, chất thải, chất bài tiết, thức ăn thừa ở nơi nhốt heo bệnh đã trở thành nguồn nhiễm nên cần phải được cô lập, cách ly và xử lý khử trùng kỹ lưỡng. Máng ăn và thức ăn chung với heo bệnh là đường lây cho cả chuồng heo. Một số tình huống và cách xử lý ở dưới sẽ giúp người chăn nuôi hiểu rõ hơn.
1. Tình huống 1:
Ở chuồng heo nái xuất hiện 1 con heo chết bệnh (hình A2). Ngay lập tức loại heo nái bệnh và 2 heo bên cạnh tiếp xúc gần để cắt nguồn bệnh (nếu thời gian bệnh đã kéo dài và có nguy cơ mầm bệnh lây lan xa thì cần loại 4 hoặc 6 heo bên cạnh).
Sau đó, thực hiện vệ sinh khử trùng kỹ lưỡng khu vực nhốt heo bệnh và các heo tiếp xúc gần. Ngoài ra, cần giám sát sức khỏe của heo bên cạnh, kèm theo lấy mẫu máu xét nghiệm để loại trừ heo nhiễm bệnh nhưng chưa bộc phát lâm sàng và chưa bài xuất mầm bệnh.
Nếu vài ngày sau đó, heo bên cạnh giữ trong chuồng có kết quả dương tính và/hoặc tiếp tục bộc phát lâm sàng hay chết thì việc loại bỏ heo bệnh này, cách ly, khử trùng khu vực heo bệnh và tiếp xúc gần lại được thực hiện tiếp tục như lần đầu, cho đến khi không còn heo nhiễm bệnh trong chuồng (sau 30 ngày theo dõi).
2. Tình huống 2:
Ở chuồng heo nái xuất hiện hơn 1 con heo chết bệnh ở 2 vị trí trở lên (hình A3). Ngay lập tức loại các heo nái bệnh và mỗi 2 heo bên cạnh tiếp xúc gần với mỗi nái bệnh để cắt nguồn bệnh. Các xử lý khác ương tự như ở tình huống 1.
3. Tình huống 3:
Ở 1 ô chuồng của dãy chuồng heo thịt xuất hiện heo chết bệnh (hình B2). Ngay lập tức loại toàn bộ heo trong cùng ô chuồng với heo mắc bệnh để cắt nguồn bệnh (nếu chuồng có vách ngăn hở và có nguy cơ mầm bệnh lây lan xa thì cần loại 2 ô chuồng heo bên cạnh).
Sau đó, thực hiện vệ sinh khử trùng kỹ lưỡng khu vực nhốt heo bệnh và hai ô chuồng bên cạnh do có các heo tiếp xúc gần. Ngoài ra, cần giám sát sức khỏe của heo ở 2 chuồng bên cạnh này, kèm theo xét nghiệm máu để phát hiện sớm và loại trừ heo nhiễm bệnh nhưng chưa bộc phát lâm sàng. Trường hợp, nếu nhiều heo bệnh trong cùng ô chuồng và nguy cơ nhiễm cao do tiếp xúc có thể suy đoán được thì tốt nhất nên loại tất cả heo của 2 ô chuồng bên cạnh là tốt nhất để cắt ngay sự lây lan dịch bệnh.
Nếu vài ngày sau đó, heo ở các ô chuồng bên cạnh có kết quả dương tính và/hoặc tiếp tục bộc phát lâm sàng hay chết thì việc loại bỏ heo bệnh của ô chuồng này, cách ly, khử trùng khu vực heo bệnh và tiếp xúc gần lại được thực hiện tiếp tục như lúc đầu, cho đến khi không còn heo nhiễm bệnh trong chuồng (sau 30 ngày theo dõi).
4. Tình huống 4
Ở hơn 1 ô chuồng của dãy chuồng heo thịt xuất hiện heo chết bệnh ở 2 vị trí khác nhau (hình B3). Ngay lập tức loại toàn bộ heo trong cùng ô chuồng với heo mắc bệnh để cắt nguồn bệnh (nếu chuồng có vách ngăn hở và có nguy cơ mầm bệnh lây lan xa thì cần loại 4 ô chuồng heo bên cạnh của 2 ô chuồng heo bệnh).
Trường hợp này phức tạp hơn do có 2 khu vực cần loại bỏ heo bệnh và vệ sinh khử trùng để cắt nguồn lây và có 4 ô chuồng cần được giám sát chặt chẽ và lấy mẫu xét nghiệm. Các xử lý khác tương tự như ở tình huống 3.
Ngoài ra, các biện pháp xử lý chung cho khu chuồng nuôi có heo bệnh như kiểm dịch người chăn nuôi, thức ăn, nước uống, thuốc thú y phải đảm bảo không làm vấy nhiễm cho các heo khỏe trong dãy chuồng và tăng cường vệ sinh – khử trùng nhiều lần chung cho cả dãy chuồng nhằm đảm bảo tiêu diệt mầm bệnh bài xuất ra từ heo bệnh. Heo mắc bệnh được loại thải và xử lý xác chết đúng cách bởi một nhóm kỹ thuật được huấn luyện và không tham gia vào việc chăm sóc heo sau đó.
Nguồn: PGS.TS Đỗ Tiến Duy – Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh