Thỏ là vật nuôi không tốn quá nhiều công sức chăm bẵm nhưng đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người chăn nuôi. Dẫu vậy, bạn vẫn cần nắm bắt một số kỹ thuật chăn nuôi thỏ và cách phòng trị bệnh để thỏ mau lớn, phát triển khỏe mạnh, ít bệnh tật trong vòng đời của mình. Cùng Vet24h tìm hiểu kỹ thuật nuôi thỏ chi tiết nhất trong bài viết hôm nay nhé!
Mục Lục
6 kỹ thuật chăn nuôi thỏ bạn cần biết
Chăn nuôi thỏ được coi là mô hình đầu tư “vốn ít, lời nhiều”. Lý do là bởi thỏ ăn rau củ, lá cây,… Nguồn thức ăn này khá đơn giản, dễ dàng tìm kiếm và không tốn nhiều chi phí. Bên cạnh đó, mua con giống thỏ cũng không quá đắt bởi thỏ là vật nuôi sinh sản nhanh và nhiều. Thỏ chỉ mang thai 1 tháng, trung bình đẻ được từ 6-7 con/lứa. Sức sinh sản của thọ không kém gì loại chuột.
Tuy nhiên, khả năng cung cấp sản phẩm thịt thỏ cho thị trường khá nhanh chóng, chất lượng thịt ngon. Hơn nữa, thịt thỏ được xem là “đặc sản” nên giá bán không hề thấp. Vì thế, người chăn nuôi thỏ có khả năng thu về lợi nhuận cao.
Ngoài chăn nuôi lấy thịt, thỏ cũng được xem là thú cưng của nhiều người và họ rất quan tâm đến các kỹ thuật chăn nuôi thỏ hiện nay.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, Vet24h sẽ chỉ đề cập đến các kỹ thuật chăn nuôi thỏ thịt. Mời bạn đọc tham khảo ngay kỹ thuật đầu tiên nhé!
1. Chọn giống thỏ nuôi
Mục đích nuôi thỏ thường là để thịt hoặc làm thú cưng. Tùy theo mục đích nuôi và điều kiện hiện có mà người nuôi thỏ chọn giống thỏ phù hợp nhất. Một số giống thỏ thịt được nuôi nhiều tại Việt Nam là thỏ Newzealand White (tỷ lệ thịt xẻ 55%), thỏ Californian (tỷ lệ thịt xẻ cao 55-58%), giống thỏ Việt Nam,…
Đối với thỏ thịt, việc chọn giống vật nuôi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất xuất chuồng và hiệu quả chăn nuôi. Vì thế, người nuôi thỏ sẽ chọn lựa con giống kỹ lưỡng theo 2 nguyên tắc sau:
- Chọn theo gia phả: là cách chọn giống vật nuôi dựa vào lý lịch, nguồn gốc được ghi chép lại của các thế hệ trước (bố mẹ, ông bà, cụ kỵ,…) và nhóm thỏ cùng thế hệ. Con thỏ giống được chọn trên cơ sở bố mẹ không tương đồng huyết thống. Đồng thời con giống phải chọn từ thỏ mẹ đạt chuẩn về tỷ lệ thụ thai, mật độ con/đàn, khả năng tiết sữa,…
- Chọn theo cá thể: chọn cá thể có ngoại hình khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, không khuyết tật, bộ phận sinh dục bình thường. Bên cạnh đó, thỏ giống phải có lông bóng mượt và dày, dài đòn, ngực sâu và nở, lưng rộng, mông, đùi nở nang, mắt sáng sủa, mũi khô, tai và chân sạch sẽ không dị tật,…
Để có được những con giống tốt, bạn phải tìm đến những địa chỉ cung cấp uy tín, quản lý giống tốt, chăm sóc thỏ cẩn thận và đặc biệt có giấy tờ chứng nhận kiểm dịch bệnh trên vật nuôi.
Lưu ý: Chỉ nên chọn những con giống có trọng lượng 500 – 600 gram sau cai sữa 30 ngày, thỏ hậu bị (6 tháng tuổi) có trọng lượng 2,6 – 2,8 kg/ con.
2. Chuẩn bị chuồng trại
Trong kỹ thuật chăn nuôi thỏ, điều kiện và quy cách chuồng trại là 2 yếu tố đáng được quan tâm.
- Điều kiện chuồng trại
Người chăn nuôi có thể nuôi thỏ trong chuồng sàn, chuồng lồng, thậm chí là thả vườn,… Đối với thỏ nuôi trong chuồng thì điều kiện chuồng trại phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:
- Chuồng trại phải đảm bảo sự sạch sẽ, thông thoáng, tránh mưa tạt, gió lùa.
- Vị trí chuồng nuôi phải đặt cách xa chuồng của vật nuôi khác.
- Diện tích chuồng nuôi đủ rộng để thỏ hoạt động thoải mái, tránh tình trạng chuồng quá chật hẹp.
- Vật liệu làm chuông thường là cau, tre, nứa,… Đây đều là các loại vật liệu dễ tìm, rẻ tiền, bền chắc và an toàn.
- Chuồng nuôi cần được tiến hành vệ sinh, quét dọn và sát trùng định kỳ.
- Quy cách chuồng nuôi
Chuồng nuôi nên được thiết kế thành nhiều dãy lồng. Mỗi lồng có kích thước như sau:
- Chiều dài 90cm, chiều rộng 60cm
- Thành lồng cao 45cm tính từ đáy đến nóc
- Đáy lồng cách mặt nền chuồng nuôi 50cm
Mật độ nuôi là từ 5 – 6 con đối với thỏ sau cai sữa hoặc 2 con đối với thỏ hậu bị giống.
Xung quanh chuồng và các ngăn giữa các ô lồng có thể làm bằng lưới sắt hoặc đóng bằng các thanh tre, nẹp cau. Cần đảm bảo thỏ không thể chui ra được hoặc các động vật khác không thể chui vào chuồng cắn thỏ.
Chuẩn bị đầy đủ các thiết bị chăn nuôi thỏ trong chuồng như:
- Máng hở để thức ăn xanh
- Máng đựng thức ăn tinh
- Máng đựng nước uống
Các loại máng này có thể được làm từ ống tre, nhựa, tôn, sành sứ,… thiết kế chắc chắn và đảm bảo độ an toàn, tránh vật sắc nhọn dễ làm xước da thỏ.
3. Thức ăn dinh dưỡng
Thỏ là loài ăn tạp, vậy nên nguồn thức ăn của chúng khá phong phú. Điều này giúp người chăn nuôi thỏ sẽ đỡ được phần nào trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng chúng.
Thức ăn của thỏ được chia thành 2 nhóm chính là nhóm thức ăn thô và thức ăn tinh (chế biến).
- Nhóm thức ăn thô: chiếm từ 80 – 90% khẩu phần ăn hàng ngày của thỏ. Thức ăn thô của thỏ gồm có các loại rau, cỏ, lá cây,… hoặc các loại củ như cà rốt, bí đỏ, khoai lang, bắp,… Thức ăn thô thanh phải tươi và rửa thật sạch bằng nước đảm bảo vấn đề vệ sinh. Những loại rau lá có hàm lượng nước cao cần phải rửa và phơi cho héo trước khi thỏ ăn để giảm tình trạng đầy hơi, chướng bụng, rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy ở thỏ.
- Nhóm thức ăn tinh: chiếm khoảng 15% khẩu phần ăn. Chủ yếu là các thức ăn chăn nuôi công nghiệp (chứa hàm lượng protein từ 15 – 16%). Ngoài ra, thức ăn chế biến cho thỏ là nấu tấm, gạo trộn với các loại thức ăn đậm đặc có hàm lượng khoáng, vitamin cao.
Lượng thức ăn hàng ngày cho thỏ bằng 30 – 40% trọng lượng cơ thể của nó. Người chăn nuôi cũng nên chia khẩu phần ăn cho thỏ thành 2 – 3 bữa/ ngày.
4. Đảm bảo đủ nước uống sạch
Thỏ ăn chủ yếu là cỏ và lá cây chứa nước, vì thế bạn cũng không cần cung cấp thêm quá nhiều nước uống cho thỏ hàng ngày.
Tuy nhiên, vẫn cần có nước trong chuồng nuôi. Bởi nếu không được cung cấp đủ nước, thỏ sẽ thiếu sữa hoặc thỏ mẹ ăn thịt thỏ con. Nguồn nước cần phải đảm bảo sạch và mát. Trong thời gian nuôi con, bạn có thể cho thỏ mẹ uống thêm nước đường hoặc ăn mía để thể trạng sau sinh nhanh chóng phục hồi, tiết nhiều sữa và đàn con phát triển tốt.
5. Chăm sóc và nuôi dưỡng
Thỏ rất nhạy cảm khi thay đổi thức ăn, nước uống và cách chăm sóc. Vì thế, trong quá trình chăn nuôi thỏ, bạn cần chú ý như sau:
- Định lượng thức ăn vừa đủ đối với thỏ hậu bị, thỏ đực, thỏ cái sinh sản, thỏ con.
- Đối với thỏ nuôi bán thịt, sau khi nuôi được 75 – 90 ngày thì cho thỏ ăn cám tổng hợp (loại dành cho gà) để thỏ tăng trọng nhanh.
- Ban ngày nên tập trung thức ăn tinh. Thức ăn thô xanh nên cho ăn chủ yếu vào buổi chiều tối. Lưu ý thêm là ban đêm cho thỏ ăn nhiều hơn ban ngày.
- Trước khi muốn chuyển sang loại thức ăn mới hoàn toàn, khẩu phần vẫn phải chứa 20 – 25% lượng thức ăn cũ và kéo dài trong khoảng 1 tuần.
- Hằng ngày vệ sinh chuồng nuôi, loại bỏ thức ăn cũ.
- Tránh cho thỏ ăn thức ăn ôi thiu, ẩm mốc, lên men hoặc dính chất thải của thỏ.
Khi bắt thỏ ra khỏi chuồng, cần lưu ý 1 tay nắm chắc phần da gáy nhấc lên, tay còn lại đỡ mông. Không được cầm tai thỏ nhấc lên vì dễ làm tổn thương mạch máu, dây chằng, dây thần kinh dễ bị đứt dẫn đến tụ máu. Cũng không được ôm ngang bụng thỏ, nhất là ở thỏ trưởng thành dễ làm thỏ bị đứt ruột, sẩy thai.
6. Phòng tránh dịch bệnh khi chăn nuôi thỏ
Thỏ có sức đề kháng kém, dễ mắc bệnh do ngoại cảnh tác động. Đồng thời khi thỏ nhiễm bệnh, tốc độ lây bệnh nhanh chóng, gây chết hàng loạt và làm thiệt hại lớn đến kinh tế. Vậy nên, người chăn nuôi cần thường xuyên quan sát và đánh giá tình trạng sức khoẻ của thỏ để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Nguyên tắc đầu tiên trong khâu phòng bệnh cho thỏ là “nguyên tắc 3 sạch”: ở sạch, ăn sạch, uống sạch. Định kỳ tổng vệ sinh chuồng nuôi 3 tháng 1 lần.
Đặc biệt, khi thời tiết thay đổi, người chăn nuôi cần bổ sung thêm vitamin cho thỏ để tăng sức đề kháng, chống stress. Biện pháp tốt nhất là sử dụng vacxin và thuốc kháng sinh để ngăn chặn và phát tán mầm bệnh trong chăn nuôi.
Kết luận
Nuôi thỏ tưởng khó mà dễ, tưởng dễ nhưng lại không đơn giản. Hy vọng với những chia sẻ về kỹ thuật chăn nuôi thỏ của Vet24h sẽ đem lại cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích và áp dụng dễ dàng để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Chúc các bạn thành công!