Nuôi lợn nái là mô hình chăn nuôi được nhiều hộ gia đình, trang trại áp dụng hiện nay. Mô hình này không chỉ đảm bảo cung cấp số lượng con giống đầu ra mà còn đảm bảo chất lượng con giống hơn so với việc mua từ các cơ sở, trang trại giống khác. Vậy làm sao để nuôi lợn nái sinh sản đạt hiệu quả tốt nhất? Để có câu trả lời, bạn đọc hãy tham khảo một số kỹ thuật chăn nuôi lợn nái sinh sản do đội ngũ Vet24h đã tổng hợp ở bài viết này nhé!
Mục Lục
5 Bước trong Kỹ thuật chăn nuôi lợn nái sinh sản
Người chăn nuôi gặp không ít khó khăn và trở ngại khi nuôi lợn nái như: lợn cái hậu bị chậm hoặc rối loạn lên giống, tỷ lệ đậu thai thấp, lợn nái đẻ ít con, lợn con sinh ra yếu, chết non,… Từ đó khiến cho kinh tế chăn nuôi giảm hiệu quả.
Có nhiều nguyên nhân tác động đến trở ngại trên. Tuy nhiên, muốn khắc phục, cải thiện, người nuôi lợn nái cần áp dụng 6 bước quản lý và kỹ thuật chăn nuôi sau đây.
1. Luôn chọn con giống khỏe mạnh
Trong số các giống lợn, giống phù hợp nuôi sinh sản hiện nay là giống Yorkshire và Landrace thuần hoặc heo lai (bố) Yorkshire x (mẹ) Landrace. Khi chọn lựa, người chăn nuôi cần đảm bảo lợn nái hậu bị phải có nguồn gốc rõ ràng, thể trạng khỏe mạnh. Các bạn cần chọn những con có nguồn gốc bố mẹ rõ ràng. Lợn mẹ phải đẻ nhiều con ở mỗi lứa, con đồng đều, to mập, lợn mẹ khéo nuôi con, chu kỳ động dục đều và sớm động dục sau khi cai sữa
Ngoài ra, bạn nên chọn những con giống có trọng lượng ít nhất 60kg. Vì khi mua con giống nhỏ lúc lẻ bầy sẽ không đảm bảo lợn thể trạng tốt nhất. Câu này không rõ nghĩa
Chú ý khi chọn giống lợn hậu bị khoẻ mạnh:
- Chọn con cái thân dài, mông vai nở, háng rộng, 4 chân thẳng, bộ móng chắc chắn. Lợn cái có âm hộ phát triển tốt, núm vú nổi rõ, hai hàng vú thẳng phân bố đều, khoảng cách hai hàng vú gần nhau, có trên 12 vú và không được có vú lép, bộ phận sinh dục không bị khuyết tật..
- Chọn con đực bụng thon, gọn, hai chân sau thẳng, 2 dịch hoàn to đều, không treo cao, không trễ thấp. Da dịch hoàn trơn nhẵn, không quá bóng và cũng không nhăn nheo.
2. Điều kiện chuồng trại nuôi lợn nái
Trong kỹ thuật chăn nuôi lợn nái, xây dựng chuồng trại cần đáp ứng những yêu cầu sau: sạch sẽ, thông thoáng, thuận tiện công việc vệ sinh và xử lý chất thải.
Địa điểm xây chuồng cần cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát mùa hè, ấm áp mùa đông. Mỗi con lợn nái hậu bị cần được nuôi trong diện tích tối thiểu từ 5 – 6m2. Vì thế, người chăn nuôi cần ước tính số lượng lợn nái và diện tích chuồng trại sao cho phù hợp.
Chuồng trại cần được trang bị đầy đủ máng ăn, núm uống tự động riêng biệt đúng kích cỡ. Ngoài chuồng có rãnh thoát phân,chất thải, xây hố phân cách xa chuồng. Nền chuồng nên làm từ xi măng, có độ dốc nhất định.
3. Chế độ dinh dưỡng cho lợn nái
Từ giai đoạn cai sữa đến khi đạt 70 – 90 kg, lợn nái được cho ăn tự do theo chương trình dinh dưỡng dành cho heo con. Khi qua mốc 70 – 90kg đến thời điểm phối giống, bạn hãy chuyển qua sử dụng thức ăn cho lợn nái nuôi con. Trong giai đoạn này, thức ăn phải đảm bảo đầy đủ dưỡng chất. Mỗi con cần cung cấp dinh dưỡng đảm bảo 3.000 – 3.050 Kcal/con, tỷ lệ protein trong thức ăn là 15 đến 16%, khoáng chất là 2,6 đến 2,8%. Tỷ lệ này thay đổi theo cân nặng của lợn nái. Trước khi cho lợn ăn, bạn cần kiểm tra để tránh tình trạng thức ăn bị nấm mốc hay chứa độc tố.
Trong giai đoạn lợn nái chửa, khẩu phần ăn cần năng lượng khoảng 2.900 đến 3.000 Kcal, tỷ lệ đạm là 14 đến 15%, khoáng chất 2,9 đến 3%. Cũng trong thời gian này, bạn nên cho lợn ăn thêm rau xanh, cỏ xanh, cung cấp nước sạch cho lợn uống theo nhu cầu.
Trong giai đoạn lợn nái nuôi con, mức năng lượng yêu cầu là 3.000 đến 3.100 Kcal. Mức độ đạm tăng lên 16 đến 17%. Khoáng chất cần áp dụng cho toàn mô hình nuôi lợn nái hậu bị đang giai đoạn nuôi con là 3,1 đến 3,5%.
Trong suốt quá trình nuôi, người chăn nuôi cần theo dõi, đánh giá thể trạng và kết quả sinh sản trên lợn nái hậu bị để:
- Điều chỉnh tăng, giảm đôi chút số lượng thức ăn
- Bổ sung một số chất khoáng, vitamin, axit amin hoặc một số loại men tiêu hóa nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả thức ăn, tăng sức đề kháng.
Xem thêm: HƯỚNG DẪN GIẢI PHÁP XỬ LÝ BỆNH TIÊU CHẢY CẤP TRÊN HEO
4. Chăm sóc và quản lý
Trước khi phối giống, việc chăm sóc và quản lý lợn nái không quá phức tạp. Để lợn phát triển tốt cho giai đoạn về sau, người chăn nuôi chỉ cần theo dõi thường xuyên, đảm bảo khẩu phần ăn và cung cấp nước uống đầy đủ là được.
Sau khi phối giống thành công, lợn nái mang thai trong thời gian 3 tháng 3 tuần 3 ngày. Người chăn nuôi cần chú trọng như sau:
- Trong giai đoạn 3 tháng đầu: lợn nái mang thai nên nhốt riêng. Điều kiện chuồng trại là cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ và yên tĩnh, đảm bảo lợn được cung cấp đủ nước uống.
- Giai đoạn 3 tuần, 3 ngày cuối: thai phát triển rất nhanh, bà con nên tăng lượng thức ăn dinh dưỡng. Khoảng 7 ngày trước đẻ chuẩn bị ổ úm nuôi heo con, vệ sinh và sát trùng chuồng trại. Trước khi đẻ 3 ngày, hãy cho ăn hạn chế còn 1,8 – 2,2 kg/con/ngày, nhiều rau xanh để tránh heo nái bị bón, cung cấp nước uống sạch đầy đủ.
- Chuẩn bị dụng cụ đỡ đẻ: kìm cắt răng, chỉ cột rốn ngâm vào cồn iod, lưỡi lam hoặc kéo cắt rốn, thuốc đỏ, giẻ sạch, thuốc sát trùng, thuốc trợ sức Vitamin C…
Lợn nái có thể đẻ sớm hay trễ hơn 1 – 5 ngày. Khi nái có hiện tượng: ăn ít, cắn ổ, đi đứng nặng nề, bụng to, vú căng, hay đi lại, tiểu nhiều lần là gần đến ngày đẻ. Nặn vú thấy sữa đục bắn ra thành tia là heo sẽ đẻ vài giờ sau. Trong giai đoạn heo đẻ cần chú ý:
- Chuẩn bị thêm đèn sưởi ấm.
- Giữ yên tĩnh, chuồng khô sạch.
- Lợn con đẻ ra cần được lau sạch nhớt miệng, mũi, xung quanh mình, cột cuống rốn cách thành bụng 1,5 – 2 cm bằng chỉ sạch và cắt cách chỗ cột khoảng 1cm về phía ngoài, sau đó sát trùng cuống rốn và chỉ cột bằng thuốc sát trùng. Cắt 8 cái răng sát nướu. Xong cho vào lồng úm có nhiệt độ 30 – 32 độ C.
- Tranh thủ cho các lợn con bú sữa đầu lúc lợn mẹ ngưng đẻ.
- Làm vệ sinh heo mẹ bằng nước ấm và rửa bên ngoài bộ phận sinh dục bằng thuốc sát trùng hay nước muối.
Lưu ý, sau khi đẻ 1 – 2 ngày mà heo nái vẫn còn biểu hiện rặn, sốt là còn sót con hoặc sót nhau, cần can thiệp kịp thời tránh tình trạng mất sữa.
Khoảng 2 – 3 ngày sau khi đẻ, bạn hãy cho lợn nái ăn thức ăn dễ tiêu như nấu cháo đậu xanh cho ăn. Ngoài ra, bạn cho nhiều rau xanh vào khẩu phần ăn để tránh bị táo bón, cho ăn nhiều bữa trong ngày và cung cấp đủ nước sạch.
5. Công tác phòng tránh dịch bệnh
Người chăn nuôi đảm bảo công tác chăn nuôi an toàn sinh học. Lịch trình phòng bệnh (vacxin và thuốc thú y) cho lợn nái cần được thực hiện chính xác.
Bên cạnh đó, tạo môi trường chăn nuôi heo an toàn, phòng dịch bệnh bằng cách:
- Rửa và phun thuốc sát trùng chuồng trại sạch sẽ ít nhất 3 – 7 ngày trước khi thả lợn nái vào chuồng.
- Quét phân trong chuồng, giữ cho chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ hàng ngày.
- Có kế hoạch rửa chuồng, phun thuốc sát trùng và diệt ruồi, muỗi mỗi tháng một lần.
Người chăn nuôi cần theo dõi và thường xuyên kiểm tra thức ăn trước khi cho lợn nái ăn, thức ăn phải đảm bảo chất lượng, không bị thiu, thối, mốc… Nước uống phải đủ, sạch và không bị nhiễm bẩn.
Trước khi phối giống tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, E.coli cho lợn nái,… Tránh tình trạng nái mang thai nhiễm bệnh và truyền đến con.
Kết luận
Trên đây là 5 bước trong quản lý và kỹ thuật chăn nuôi lợn nái sinh sản. Hy vọng với những chia sẻ trên, người chăn nuôi đã có thêm thông tin hữu ích để cải thiện hiệu quả kinh tế, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại khi heo bị bệnh, tăng chất lượng lợn con sinh ra khỏe mạnh, phát triển tốt.