4 Kỹ Thuật Nuôi Tôm Càng Xanh Hiệu Quả, Sản Lượng Cao

Tôm càng xanh là giống thuỷ sản đem lại lợi ích kinh tế cao khi nuôi trồng. Và để đạt được điều đó, bạn hãy nắm chắc một kỹ thuật nuôi tôm càng xanh như:

  • Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa
  • Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh nước ngọt
  • Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong ao đất
  • Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong bể xi măng

Mỗi kỹ thuật đều sẽ được Vet24h chia sẻ trong bài viết này. Hy vọng nó sẽ giúp cho các bạn có thêm kiến thức và vận dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả, an toàn nhất.

Top 4 kỹ thuật nuôi tôm càng xanh phổ biến cho hiệu quả cao

Nuôi tôm càng xanh không còn là công việc khó khăn. Tuy nhiên, các bạn cần nắm vững các kỹ năng nuôi tôm càng xanh sẽ giúp cho tôm luôn khoẻ mạnh, sản lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế tốt nhất.

tôm tươi

1. Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa

Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa là mô hình tích hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi thuỷ sản. Nhờ việc kết hợp 2 trong 1, các bạn vừa tiết kiệm được diện tích nuôi trồng, vừa gia tăng thu nhập trên một mảnh đất. Có thể nói, đây là mô hình nuôi trồng không quá mới lạ, song nó vẫn cho bạn hiệu quả kinh tế cao.

Trên thực tế, không phải ruộng lúa nào cũng có thể nuôi tôm. Bạn nên nuôi tôm tại các ruộng lúa cấy hoặc nuôi trên ruộng lúa sạ (sạ lúa thưa hơn bình thường) để tôm có khoảng trống bơi trên ruộng lúa.

Dựa theo mùa vụ của lúa, bạn áp dụng kỹ thuật nuôi tôm càng xanh với 2 hình thức chăn nuôi sau:

  • Thời gian vào khoảng từ 4,5 – 5 tháng, mật độ thả từ 2 – 4 con/m2.
  • Sử dụng ruộng chỉ canh tác vụ lúa Đông – Xuân sau khi tiến hành thu hoạch lúa, thả tôm từ tháng 3 – 4 tuổi với mật độ từ 3 – 5 con/ m2. Thời gian nuôi 1 vụ là từ 7 – 8 tháng.

Vậy tôm càng xanh sẽ ăn lúa hay ăn gì trên đồng ruộng của bạn? Câu trả lời là có 3 nguồn thức ăn chính dành cho tôm càng xanh:

  • Thức ăn tự nhiên: là thức ăn có sẵn trong thủy vực bao gồm những động thực vật thủy sinh có sẵn trong ruộng lúa.
  • Thức ăn tươi: Bao gồm cá, tép, cua, ốc, hến… và các chế phẩm từ nhà máy chế biến thủy sản.
  • Thức ăn công nghiệp: là thức ăn được sản xuất công nghiệp, cân đo đong đếm kỹ lưỡng nhằm đảm bảo chất lượng, đầy đủ chất dinh dưỡng, cho ăn vừa đủ.

Lưu ý, trong quá trình nuôi tôm trên đồng ruộng, bạn cần thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn để điều chỉnh khẩu phần ăn sao cho phù hợp, tránh lãng phí và làm ảnh hưởng đến nguồn nước trong ruộng. Thay vì tập trung thức ăn 1 chỗ, bạn nên rải rác thức ăn tại nhiều điểm xung quanh ruộng nuôi. Để làm được điều này, bạn có thể sử dụng sàng ăn để theo dõi tốt hơn.

Cũng giống với nuôi tôm thẻ, tôm sú, nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa cũng cần phải theo dõi, chăm sóc thường xuyên. Bởi nó liên quan đến cả hiệu quả nuôi trồng và canh tác lúa. Muốn mô hình chăn nuôi này đem lại nguồn thu nhập cao, bạn cần thực hiện các công việc sau: 

  • Thường xuyên thay nước trong ruộng nuôi. Chú ý đến chu trình lột xác của tôm. Nếu thấy tôm nổi đầu vào buổi sáng thì cần thay nước ngay.
  • Sử dụng xét nghiệm PCR định kỳ để chẩn đoán và phát hiện bệnh sớm trên tôm. Từ đó có biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh cho cả đàn nuôi.
  • Trồng giống lúa kháng sâu, hạn chế phun thuốc trừ sâu vì nó rất có hại cho tôm càng xanh.

Trong kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trên đồng ruộng, quá trình thu hoạch cần chú ý như:

  • Có thể thu tỉa những con cái, những con lớn và những con chậm phát triển hai tháng trước khi thu hoạch để bán.
  • Có thể dùng lưới để thu dần từ 1 – 2 tuần. Năng suất 1 vụ nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa đạt từ 350 – 800 kg/ha/vụ

Hiện tại, mô hình nuôi tôm trên ruộng lúa 2 trong 1 đang được nhiều hộ nuôi áp dụng và cho năng suất cao. Đặc biệt là những khu vực miền Tây của nước ta.

2. Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong bể xi măng có mái che

Gần đây, nổi lên kỹ thuật nuôi tôm càng xanh mới, đó là nuôi trong bể xi măng có mái che. Mô hình này được nhiều người chăn nuôi áp dụng và thu về hiệu quả kinh tế cao. Ưu điểm của mô hình nuôi tôm càng xanh trong bể xi măng có mái che:

  • Dễ xử lý dịch bệnh
  • Thu hoạch đơn giản
  • Giảm thiểu rủi ro do thời tiết gây ra

Đầu tiên bạn cần chuẩn bị ao nuôi:

  • Thiết kế ao nuôi xi măng lý tưởng với diện tích tối thiểu từ 20 – 40m2, chiều cao 1m.
  • Lắp đặt khung dàn mái che cho bể nuôi (mái có hình chóp nón).
  • Lắp đặt máy sục khí, hệ thống cấp dẫn nước ra ngoài riêng biệt cho mỗi bể nuôi.
  • Xử lý nước trước khi cấp cho bể nuôi.

Với kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong bể xi măng, bạn có thể thả mật độ dày khoảng 400 con/ m2 trong 40 ngày đầu. Sau đó san ra chỉ thả với mật độ 200 con/ m2

Giống với các kỹ thuật nuôi tôm càng xanh ở trên, bạn có thể cho tôm ăn thức ăn chế biến hoặc thức ăn công nghiệp. Và hãy sử dụng sàng để điều chỉnh lượng thức ăn đều và hợp lý.

Xem thêm: Hướng dẫn cách nâng pH ao nuôi tôm hiệu quả cho người chăn nuôi

Đối với thu hoạch tôm càng xanh nuôi trong bể xi măng có mái che:

  • Sau 60 ngày tiến hành thu tỉa những con tôm to.
  • Sau 70 ngày thì tháo nước và thu hoạch những con tôm còn lại, ước đạt khoảng 60 – 80 con/kg.
  • Đặc biệt, mô hình này thu hoạch rất nhàn. Bạn chỉ cần mở khóa van nước để tháo cạn nước rồi đặt túi lưới và thu bắt tôm.

3. Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong ao đất

Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong ao đất gần giống với kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú. Về cơ bản, bạn vẫn cần phải đáp ứng được các yêu cầu dưới đây.

Thứ nhất, việc chuẩn bị ao đất:

  • Ao đất có kích thước khoảng 0,2 – 0,6 ha, có hình chữ nhật. Bờ tường chắc chắn, không rò rỉ. Mặt bờ tường rộng ít nhất 2m để giúp bạn đi lại dễ dàng.
  • Mỗi ao cần ít nhất 1 cống, kích thước cống tuỳ thuộc vào kích thước ao nuôi, đủ thuận tiện cho việc trao đổi nước trong ao.
  • Lắp đặt hệ thống quạt nước cho ao nuôi.
  • Đối với ao nuôi cũ, cần cải tạo ao đất, sửa bờ, cống. Xả cạn nước, loại bỏ cua, rắn, cá, tôm tập,…
  • Đối với những ao nuôi mới đào thì có thể trồng cỏ hoặc trồng lúa ở đáy ao cho lên xanh rồi đưa nước vào ngập mới sử dụng.
  • Tiến hành bón vôi sau đó dùng bón phân cho ao nuôi
  • Cấp nước đã được xử lý cho vào ao nuôi

Thứ hai, việc lựa chọn tôm giống:

Có 2 nguồn tôm càng xanh giống để bạn lựa chọn nuôi, đó là tôm giống tự nhiên và tôm giống ở những trang trại uy tín. Trong quá trình lựa chọn tôm giống, bạn hãy lưu ý chọn những con khoẻ mạnh, đồng đều kích cỡ, không nhiễm bệnh. Mật độ thả nuôi thích hợp là từ 5 – 10 con/m2.

Thứ ba, thức ăn và thời gian cho ăn:

Bạn có thể tự chế biến thức ăn cho tôm hoặc mua thức ăn viên công nghiệp. Điều kiện là đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và phù hợp với nhu cầu của tôm nuôi.

Giống với kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, trong quá trình cho ăn, người nuôi nên rải đều khắp ao và đặt một số sàng ăn cố định để tiện theo dõi liều lượng ăn của tôm nuôi. Với tôm càng xanh nuôi trong ao đất, thời gian cho ăn là lúc sáng sớm từ 5 – 7 giờ và tầm chiều tối từ 16 – 18 giờ.

Thứ tư, việc quản lý và chăm sóc ao nuôi:

  • Tiến hành thu nước thường xuyên và giữ mực nước sâu ít nhất là từ 0,8 – 1m
  • Điều chỉnh độ pH thích hợp cho tôm nuôi. Nếu pH < 7 thì dùng vôi pha với nước ngọt và rải đều khắp ao nuôi.
  • Giữ màu nước trong ao có màu xanh nõn chuối và độ trong là từ 20 – 40 cm. Trong trường hợp màu đậm hơn thì tiến hành thay nước.

Thứ năm, việc thu hoạch:

Nếu thực hiện đúng kỹ thuật nuôi tôm trên ao đất thì sau thời gian từ 4 – 5 tháng có thể dùng lưới để đánh tỉa các tôm lớn trước. Đến thời gian thu hoạch toàn bộ thì xả cạn nước và dùng lưới để thu hoạch.

4. Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh nước ngọt

Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh nước ngọt khá giống với nuôi tôm càng xanh ở ao đất. Chỉ khác ở một số điểm như sau:

  • Vị trí làm ao cần phải có nguồn nước ngọt quanh năm, nước không bị ô nhiễm, chỉ tiêu thủy hóa nguồn nước với hàm lượng oxy > 3mg/lit, độ cứng > 20mg/l, pH = 6/6,8.
  • Mật độ thả thâm canh thả 30 – 35 con/m2, nuôi bán thâm canh từ 5 – 6 con/m2, nuôi quảng canh từ 0,5 – 3 con/m2
  • Thức ăn có thể dùng cá vụn, con ruốc, tép hay thức ăn viên đảm bảo các thành phần: protein 30 – 35%, canxi 2 – 3%, photpho 1 – 5 %, cellulose 3 – 5%. Tiến hành cho ăn ngày 2 lần vào lúc 6 giờ sáng và 18 giờ chiều.
  • Người nuôi có thể nuôi tôm càng xanh nước ngọt kết hợp với cá, thời gian nuôi khoảng 3 – 4 tháng.

Trên đây là 4 kỹ thuật nuôi tôm càng xanh đem lại năng suất kinh tế cao. Hy vọng với những chia sẻ này của Vet24h, bạn đã có thêm kiến thức và ứng dụng vào vụ tôm mới. Chúc bạn thành công!

Bài liên quan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisement -spot_img
- Advertisement -spot_img

Bài mới